Vinh quang nghệ thuật không phải là "fast-food"

Nhật Minh| 24/03/2016 10:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Con đường tới vinh quang trong nghệ thuật đầy chông gai, không trải thảm hoa hồng. Nó chẳng phải món mì ăn liền hay thứ đồ fast-food...

Phát sốt vì… thảm họa

Truyền thông hiện nay có những cụm từ thể hiện nét đặc trưng “văn hóa mạng”.  Mở nhiều trang tin điện tử từ chính thống đến lá cải, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hot girl rửa bát “gây sốt” cộng đồng mạng, hay mỹ nam, soái ca “gây sốt” vì quá tốt, v.v… và v.vv…

Vài năm trước, khi “nữ hoàng da nâu” vừa nhún nhẩy vừa cất lên tiếng hát mỏng, yếu như thể hết hơi “Da nâu, em sống trong khát khao / Da nâu, em sống trong ước ao / Da nâu, mang đến những khát khao / Da nâu, mang đến những ước ao”, cô đã bị ném đá tơi tả. “Thảm họa da nâu” cũng khiến người nghe đau đầu đến… phát sốt!

Vinh quang nghệ thuật không phải là

Có những "siêu phẩm" âm nhạc khiến người nghe giật mình. Ảnh minh họa

Thế nhưng trước đó, thảm họa âm nhạc như trên tràn lan đến mức đi đâu cũng nghe thấy những bài hát với ca từ thô tục đến lố bịch. Vào khoảng cuối thập niên 1990 đầu 2000, trong khi phần đông người yêu nhạc chỉ biết đến những Lá đỏ, Lá xanh, Tình ca, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây…, thì một loạt bài hát nhạc Hoa lời Việt đã xuất hiện, rồi đến những bài hát với giai điệu và ca từ dễ dãi, nghèo nàn na ná nhau như: “Vì sao mỗi tối em đi đâu về khuya, vì sao mỗi tối em đi xe người ta...”; “Gái khi yêu trao hết cho người yêu... mất hết tất cả vì đã trao...”…

Nhố nhăng, nhảm nhí, rẻ tiền… là những tính từ được gắn cho các ca khúc được gọi là thị trường dành cho… giới trẻ. Ấy thế nhưng, chúng vẫn cứ sinh sôi đều đặn, thậm chí còn “như nấm mọc sau mưa”. Và kỳ lạ, càng nhảm nhí, vớ vẩn, ngôn từ càng sốc thì bài hát lại càng “hot”, ca sĩ lại càng “nổi”, và cát-xê lại càng tăng!

Bị ném đá, hóa ra… tiền

Nếu cần dùng một cái tên mỹ miều khác dành cho các bầu show, các manager (quản lý) ca sĩ, thì phải gọi họ là những… chiến lược gia kinh tế. Có thể nói, họ là những người hiểu và vận dụng tốt quy luật cung - cầu của thị trường.

Nhiều bậc phụ huynh đã phải bực mình đến mức ra “tối hậu thư”: cấm nghe loại nhạc vớ vẩn, lố lăng, rẻ tiền như thế. Song “bọn trẻ” vẫn nghe và thích. Vì sao? Nội dung bài hát “đi vào cuộc sống”, nói quá đúng thực tại, nên càng dễ “cảm”. “Mỗi người có một gout thưởng thức âm nhạc riêng, nếu bạn không thích thì đừng nghe, vậy thôi”, một bạn trẻ vẻ phớt đời phẩy tay.

Còn nhớ, đầu thập niên 1990, dòng phim “mì ăn liền” trở thành món ăn thời thượng, với khả năng lôi kéo khán giả rới rạp như thể chứa chất “gây nghiện”. Mặc dù chỉ như “đóa phù dung sớm nở tối tàn”, phim mì ăn liền đã xây dựng nên một lớp tài tử điện ảnh có khả năng “hốt bạc” thời bấy giờ. Không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, song các nhà sản xuất đã biết “đi tắt, đón đầu”, đánh vào sở thích thưởng thức những tác phẩm gần gũi với đời sống, cùng một dàn trai xinh, gái đẹp “nhìn là mê”.

Vinh quang nghệ thuật không phải là

Tạo scandal, bị ném đá càng nhiều, càng nổi tiếng. Ảnh minh họa

Với âm nhạc cũng vậy, phân khúc thị trường chia rõ từng ở từng độ tuổi và do đó trình độ thưởng thức cũng khác nhau. Và ở cái tuổi “sớm nắng chiều mưa”, ham cái lạ, thích bắt chước, việc bắt chúng nghe các loại nhạc “hàn lâm” như cổ điển, hay nhạc đỏ, hoặc nhạc nước ngoài được sáng tác từ khi bố mẹ chúng chưa ra đời chẳng khác nào bắt trẻ sơ sinh phải nhai cơm khi chưa có răng. Nhạc “rẻ tiền” là thượng sách!

Vì cầu nên ắt phải cung. Như một lẽ hiển nhiên, trên mảnh đất màu mỡ ấy, cứ “cấy trồng” các ca khúc dễ viết, dễ nghe, rồi đưa cho những hotboy, hotgirl “hát” há chẳng phải vừa nhanh, vừa dễ kiếm tiền sao. Kể cả bị ném đá mà được nổi tiếng, tiền đầy túi, được ăn ngon mặc đẹp… thì dù đá hòn, đá tảng cũng không vấn đề gì!?

Chỉ cần hát một bài hát, được nhiều bạn trẻ yêu thích, nó sẽ trở thành “hit”, và anh sẽ thành ca sĩ. Tên tuổi lên vù vù, bầu show gọi điện tới tấp mời tham gia show nọ show kia, nhưng: “Tuần sau à? Ngần này “Đô” mới được nhé. Có cô ta thì sẽ không có tôi! Ồ, nói tôi chảnh à? Có biết tôi là ca sĩ có tên tuổi, có “hit” hay không?”. Nếu truyền thông ném đá “mới nổi đã hét giá”, thì ông bầu sẽ cười ha hả … “cá đã căn câu”. Phương pháp PR ngược, tạo scandal, “càng bị chửi càng nổi tiếng” đã thành công!

Vinh quang nghệ thuật - Con đường chông gai

Thế nhưng, trong thị trường âm nhạc xô bồ ấy không phải tất cả đều vì kế mưu sinh mà “bán mình” cho thứ nghệ thuật rẻ tiền hay “giận đời” mà bỏ nghề. Ở một góc khuất nào đó vẫn còn những người làm nghệ thuật chân chính, họ âm thầm học hỏi và làm việc không ngừng với hi vọng góp phần làm cho nền âm nhạc nước nhà ngày càng phát triển lành mạnh và tạo dựng nên những giá trị đích thực.

Như đã nói ở trên, sở dĩ nhạc thị trường rẻ tiền có đất sống là do những người làm nghề nắm được quy luật cung cầu, tâm lý và nhu cầu người nghe. Họ thành công vì biết nắm bắt thị phần lớn trong công chúng yêu nhạc là giới trẻ. Công chúng trẻ chính là lực lượng khán giả lớn, có tầm ảnh hưởng đến hoạt động phát triển văn hóa nghệ thuật, khuynh hướng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật của những người sáng tác, những nghệ sĩ biểu diễn.

Vinh quang nghệ thuật không phải là

Thủ lĩnh Ban nhạc Bức Tường - nhạc sĩ, rocker Trần Lập

Vinh quang nghệ thuật không phải là

Con đường tới tới vinh quang trong nghệ thuật đầy chông gai, không trải thảm hoa hồng.

Trong khi đó, ở thời đại công nghệ thông tin toàn cầu, việc tiếp cận kiến thức và các tác phẩm âm nhạc mới rất thuận tiện và dễ dàng. Nắm bắt được xu thế này, bản thân mỗi người nhạc sĩ, ca sĩ cần có ý thức trau dồi kiến thức không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà cả xã hội, tâm lý… để từ đó có những bước đi đúng đắn, hướng giới trẻ vào một môi trường âm nhạc lành mạnh. Thêm vào đó, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật cũng cần có chiến lược lâu dài để “chắt lọc” và giữ lại những điều tốt, khuyến khích phát triển, cái chưa tốt hoặc xấu thì cần hạn chế hoặc xóa bỏ.

Xin được mượn hình ảnh thủ lĩnh Ban nhạc Bức Tường - nhạc sĩ, rocker Trần Lập với trái tim và đôi bàn tay thắp lửa đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ học sinh sinh viên, giúp họ thêm tự tin, lạc quan, yêu đời, biết sống vì mọi người chứ không phải như “hòn đá không tình yêu, chỉ biết thân mình” thay cho lời kết: Con đường tới tới vinh quang trong nghệ thuật đầy chông gai, không trải thảm hoa hồng. Nó chẳng phải món mì ăn liền hay thứ đồ fast-food. Và để đi tới đích, không chỉ cần một trái tim nhiệt huyết mà còn cần một cái đầu thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vinh quang nghệ thuật không phải là "fast-food"