Nguyễn Quang Minh – cái tên không mấy xa lạ trong cộng đồng yêu thích phong thủy và đặc biệt với giới nghiên cứu phong thủy cũng như Đông phương học thì đây là một tên tuổi có danh vị cao quý và nhận được nhiều sự quý trọng.
Hơn bốn mươi năm miệt mài và nghiên cứu với hàng chục buổi phát sóng trên truyền hình, hàng ngàn bài viết và hàng trăm bài diễn thuyết để đưa lý thuyết nghiên cứu văn hoá, đặc biệt là triết học phương Đông ứng dụng vào trong thực tiễn. Không chỉ cá nhân mà nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã và đang áp dụng phong thủy trong kinh doanh cũng như điều hành để mang lại vượng khí từ những kiến thức mà ông chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Quang Minh và PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái trong chương trình "Giải mã văn hoá"
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu Đông phương học Nguyễn Quang Minh xung quanh chương trình Giải mã văn hóa đang nhận được nhiều sự quan tâm gần đây.
Phóng viên: Xin ông cho biết lý do nào để ông và ekip đưa chương trình Giải mã văn hóa lên truyền hình?
Ông Nguyễn Quang Minh: Như các bạn biết đấy, tín ngưỡng là một đề tài rộng lớn, nhiều tài liệu, nhiều chương trình đương đại đã đề cập nhưng có vẻ như những yếu tố truyền thống, những điểm tốt lành lại không được chú ý, còn những mặt không tích cực lại bị khai thác quá nhiều để thỏa mãn trí tò mò của công chúng.
Phóng viên: Vậy ông có thể đưa ra một ví dụ nào rõ nét nhất về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quang Minh: Tôi đưa ra một ví dụ thế này: Chúng ta phân tích lên đồng là một di sản văn hóa đã được Unesco ghi nhận. Do hiểu không đến đầu đến đuôi nên tạo thành một cuộc lạm dụng tâm linh và điều này gây nên tâm lý phản văn hóa. Còn tự thân những hành vi để trở thành biểu trưng văn hóa lại không có những nhà phân tích tốt. Ví dụ như biểu trưng của ông Hoàng Bảy là gì? Biểu trưng của ông Hoàng Mười là gì?… Và những biểu trưng đó được thể hiện qua các vũ đạo, ngôn ngữ cho đến trang phục thì chưa thấy đề cập sâu. Những khác biệt về ngôn ngữ thể hiện đã khiến chúng ta ngộ nhận lên đồng như một thứ nửa tâm linh, nửa tín nửa thực. Và rõ ràng vấn đề trên đang bị công chúng nhìn nhận lệch lạc so với ý nghĩa ban đầu của nó.
Chuyên gia Nguyễn Quang Minh và Nhà báo Phan Đăng trong chương trình "Giải mã văn hoá"
Phóng viên: Thưa ông, phải chăng bùng nổ công nghệ thông tin khiến người trẻ đang lãng quên dần bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông?
Ông Nguyễn Quang Minh: Những tác động cực đoan của tiếp nhận văn hóa toàn cầu, khiến một bộ phận không nhỏ công chúng đang ngày một xa rời với kho tàng kiến thức và kinh nghiệm đồ sộ của cha ông hơn bốn nghìn năm kế thừa và tích lũy. Chúng ta đang mất đi quá nhiều tài sản, những tài sản đó tạo lên một nền tảng đạo đức, một cái gốc dân trí của người Việt suốt bốn nghìn năm qua.
Giai đoạn này không phải chúng ta mất mà là chúng ta đang tiếp nhận một cách ào ạt từ các nền văn minh trên thế giới. Điều này đẩy chúng ta vào tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên tri thức. Xuất phát từ vấn đề đó, chúng tôi thực hiện giải mã những hiện tượng trong cuộc sống thường nhật thông qua vốn kiến thức có sẵn của ông cha để lại cũng như kết hợp với những thành tựu từ khoa học kỹ thuật đương đại để hoàn thiện hơn hành vi sống, cách sống của chúng ta.
Phóng viên: Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội như ngày nay, thì một ngày mỗi người có thể sẽ tiếp cận hàng nghìn thông tin. Vậy theo ông, chương trình Giải mã văn hoá sẽ có gì đặc biệt để thu hút công chúng?
Ông Nguyễn Quang Minh: Tôi cho rằng, chương trình ra đời không phải để phục vụ nhu cầu thương mại hay thỏa mãn nhu cầu giải trí, sự hiếu kì của công chúng như đại đa số các chương trình triệu views khác. Chương trình sẽ bình lặng như một thể loại văn hóa để rồi ngấm dần vào mỗi con người qua từng ngày từng tháng. Chỉ có văn hóa và tri thức mới có thể sàng lọc ra giá trị thực sự cần lưu giữ.
Chuyên gia Nguyễn Quang Minh và Đạo diễn Việt Tú trong chương trình "Giải mã văn hoá"
Phóng viên: Theo ông thì chương trình này có chọn lọc khán giả không?
Ông Nguyễn Quang Minh: Chương trình này dành cho tất cả mọi người, tuy nhiên, theo tôi thì bất cứ chương trình truyền hình chính luận nào cũng vậy, nó sinh ra không phải để chiều thị hiếu của công chúng. Bởi nếu chúng ta làm thế thì bao nhiêu tài liệu có sẵn của mấy nghìn năm lịch sử sẽ không được nhiều người biết đến. Chúng ta vẫn sử dụng những thuật ngữ của lịch sử để chỉ rõ một vấn đề đương đại, bởi vì đương đại đã minh họa cho những thuật ngữ ấy. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần sử dụng những ngôn ngữ đương đại thì tự chúng ta sẽ lãng quên và đánh mất gia tài kiến thức của ông cha đúc kết mấy nghìn năm. Do đó, để thuận lợi hơn cho công chúng khi tiếp cận chương trình, chúng tôi sẽ dành 70% hàm lượng nội dung mang hơi thở đương đại, còn 30% nhằm mục đích chú giải các ngôn ngữ, các biểu tượng văn hoá để mọi người dần hiểu những di sản xưa cũ của ông cha được ứng dụng trong đời sống thực tiễn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông với những chia sẻ thú vị về chương trình, rất mong chương trình ra mắt khán giả trong thời gian sớm nhất.