Giai đoạn 2021 - 2025 tăng tốc chuyển đổi số quốc gia

Mai Thoa| 28/01/2021 13:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi trình bày tham luận tại Đại hội XIII sáng nay 28/1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

manh-hung(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số được thay đổi đột biến. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Do vậy, sẽ tập trung các giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia.

Thứ nhất là làm chủ hạ tầng số. Hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh dòng chảy dữ liệu, hạ tầng bưu chính sẽ trở thành một huyết mạch của thương mại điện tử. Bưu chính được giao trọng trách phục vụ phát triển chính phủ số, cải cách hành chính, góp phần đưa dịch vụ công lên mức độ 3, 4; đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Thứ hai, vấn đề làm chủ các nền tảng số. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nhanh hơn ở chỗ các nền tảng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng, dùng chung. Giảm chi phí ở chỗ không cần đầu tư kinh phí và thời gian phát triển mới từng phần mềm. Dịch vụ được cung cấp qua các nền tảng số sẽ ngày càng rẻ như hoá đơn điện nướcnếu có lượng người dùng lớn. Và vì vậy, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng số sẽ trở nên hiệu quả.

Ngành Thông tin và Truyền thông định hướng phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và từ đó đi ra thế giới. Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số “Make in Viet Nam”. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các nền tảng số “Make in Viet Nam” có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới.

Ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cứ 1000 người dân/01 doanh nghiệp công nghệ số, ông Hùng cho biết.

Thứ ba là vấn đề làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phầnkhông thể tách rời của chuyển đổi số.

Phát triển hạ tầng số an toàn, tin cậy . Trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ. Phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp.

ong-binh.jpg

Ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Với năng lực làm chủ tới hơn 90% hệ sinh thái vào năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào và tin tưởng rằng hệ sinh thái Make in Viet Nam sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạngvà cùng với các nền tảng số Việt Nam vươn ra toàn cầu. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước, doanh số tăng trưởng 25-30%/năm.

Thứ tư, vấn đề làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in Viet Nam, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm.

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần dân tộc đó.

"Trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế - xã hộitrên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai đoạn 2021 - 2025 tăng tốc chuyển đổi số quốc gia