Công cuộc cải cách hành chính luôn “đụng chạm” đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm

Mai Thoa| 28/01/2021 09:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Đại hội XIII sáng 28/1, bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trình bày tham luận về công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ.

Nhấn mạnh việc trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã xác định, cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, những kết quả của cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 đã thể chế của nền hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản phù hợp với yêu cầu chủ trương quan trọng của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

thanh-tra-1.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội trình bày tham luận tại đại hội

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính có liên quan đến các chỉ số đổi mới sáng tạo. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Cải cách hành chính luôn “đụng chạm” đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm

Cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực; công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét; việc giám sát chi tiêu bằng quy chế chi tiêu nội bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách…

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cải cách hành chính thời gian qua, như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, việc quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính còn hạn chế.

Chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp. Công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng...

Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm, có những thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh những thủ tục hành chính mới ở các nội dung khác. Cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết.

Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa thật thống nhất, thông suốt. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết; một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực…

Lấy người dân là trung tâm cải cách hành chính

Từ thực tế bất cập trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, giải pháp trong giai đoạn tới gồm: Một là, tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

cac-dai-bieu-hoi-truong.jpg
Các đại biểu tại Đại hội XIII

Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần phải triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế mở, có tính toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp với thông lệ chung của thế giới, phải đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức để có thể hội nhập với các nền hành chính hiện đại trong khu vực và quốc tế.

Hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế. Từ những thể chế này, tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Năm là, triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại. Tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sáu là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Nghiên cứu, tham khảo các kết quả đánh giá được công bố của các tổ chức quốc tế và trong nước về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công cuộc cải cách hành chính luôn “đụng chạm” đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm