Đời sống

Giải bài toán đường biến thành sông mỗi khi mưa lớn

Thanh Phương 05/04/2024 - 11:20

Vào mùa mưa, trên các tuyến đường của TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) thường bị ngập sâu, ảnh hưởng tới việc đi lại, hư hại tài sản của người dân. Không ít chủ phương tiện thiệt hại hàng chục triệu đồng vì xe chết máy, ô tô ngập nước. Trong lộ trình phát triển đô thị thông minh, các đơn vị có liên quan đang tìm các giải pháp phù hợp để tránh "đường biến thành sông".

Không khó để bắt gặp cảnh đường phố TP Thanh Hóa bì bõm nước mỗi khi mùa mưa tới. Thời điểm mỗi dịp đầu buổi đi làm, các cháu học sinh tới trường vô cùng vất vả, bất tiện. Không ít người đậu phương tiện ở lòng đường khi nửa buổi quay ra nhìn đã ngập trong biển nước mà bất lực kêu trời. Thế là đi tong mấy tháng lương để sửa xe.

duongnuoc.jpg
Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa biến thành sông mỗi khi mưa lớn

Tại các khu công nghiệp và đô thị lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hệ thống đường ống, cống, kênh, mương, hồ điều hòa... đã được quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua, góp phần tích cực trong việc thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập đô thị. Thế nhưng do bất cập trong việc thiết kế đường thu gom, điểm đấu nối với các hồ điều hòa và quá trình đô thị hóa nhanh đã khiến cho hệ thống bị ảnh hưởng.

Chưa kể vào đó là lượng rác thải từ việc xây dựng, sửa chữa vỉa hè, sinh hoạt bị đưa ra bên ngoài, rơi xuống lòng đường chặn các điểm thu gom nước. Điều này càng khiến cho tình trạng ngập úng diễn ra trầm trọng hơn.

duongsong.jpg
Người dân vất vả khi di chuyển qua các tuyến đường ngập sâu khi có mưa lớn

Để đạt được những tiêu chí quan trọng trong xây dựng đô thị bền vững, Thanh Hóa đã tập trung vào đầu tư các lĩnh vực về hạ tầng như: Cấp thoát nước, giao thông, chiếu sáng, năng lượng, thu gom và xử lý chất thải... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và cải thiện khả năng quản lý của chính quyền đô thị.

Theo khảo sát, tỉnh Thanh Hóa có 35 đô thị bao gồm: 2 thành phố (Thanh Hóa, Sầm Sơn), 2 thị xã (Bỉm Sơn; Nghi Sơn), 31 thị trấn huyện lỵ. Trong đó, có 1 đô thị loại I (thành phố Thanh Hóa); 2 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn); 1 đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn); 31 đô thị loại V (các thị trấn thuộc huyện).

muongnuoc.jpg
Hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng trên đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hoá

Về mạng lưới thoát nước mưa, hiện có 31 khu công nghiệp đã được quy hoạch tại Thanh Hóa, 14 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hạ tầng, mạng lưới thoát nước mưa đã được đầu tư, đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu công nghiệp theo quy hoạch và được đấu nối với mạng lưới thoát nước chính khu vực (sông, kênh, mương), dẫn đến không có tình trạng ngập, lụt khu công nghiệp khi có mưa lớn kéo dài.

Tại các đô thị lớn của Thanh Hóa, nhiều đường ống, cống, kênh, mương, hồ điều hòa đã được quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua, qua đó góp phần tích cực trong việc thoát nước cho các đô thị. Đối với các khu dân cư, khu đô thị mới hiện nay đã triển khai đầu tư đầy đủ, đồng bộ mạng lưới thoát nước với hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu đô thị theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đồng thời đã được đấu nối với mạng lưới thoát nước chính của đô thị để thoát nước cho khu dân cư, khu đô thị mới.

hodieuhoa.jpg
Các hồ điều hòa trên địa bàn TP Thanh Hóa không được kết nối với nhau dẫn tới ô nhiễm, giảm khả năng chứa nước

Về mạng lưới thu gom nước thải, hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là hệ thống thoát nước chung, trong đó nước mưa và nước thải được thoát chung cống, rãnh, kênh mương, nước chảy theo độ dốc địa hình và đổ vào hệ thống sông suối ao hồ.

Một số đô thị lớn đã và đang đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung cho đô thị như: Thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn. Đối với các khu dân cư, khu đô thị mới hiện nay đã và đang triển khai đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị thì các đường ống, cống thoát nước mưa được đầu tư xây dựng riêng biệt với đường ống, cống thu gom, thoát nước thải theo quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt và quy định pháp luật; trong các khu dân cư, khu đô thị mới này thì có trạm xử lý nước thải phi tập trung được quy hoạch và đầu tư đồng bộ với hạ tầng thoát nước khu dân cư, khu đô thị mới...

goctp.png
Xây dựng TP thông minh trên cơ sở tiêu thoát nước kịp thời mỗi khi có mưa lớn

Hiện tại, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tích cực đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo thành hệ thống thoát nước riêng hoặc xây dựng các giếng tràn nước mưa, các tuyến cống bao, cống gom để thu gom, vận chuyển nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, các đường ống, cống thoát nước mưa được đầu tư xây dựng riêng biệt với đường ống, cống thu gom, thoát nước thải theo quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt và quy định pháp luật; trong các khu công nghiệp này thì có trạm xử lý nước thải tập trung được quy hoạch và đầu tư đồng bộ với hạ tầng thoát nước khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Bình trú tại phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hoá, chia sẻ: “Mấy năm trước, cứ đến mùa mưa gặp trận mưa to, kéo dài là đoạn đường Lê Lai bị ngập, khiến người và phương tiện tham gia giao thông qua khu vực này gặp khó khăn. Nay được các cơ quan ban ngành quan tâm, cải tạo nâng cấp cống rãnh, hệ thống thu gom nước là điều chúng tôi mong mỏi, hy vọng mùa mưa năm nay không còn cảnh ngập lụt”.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa Lê Bá Hải cho biết: Quá trình đô thị hóa bộc lộ một số bất cập trong đó có nhiều tuyến đường bị ngập sâu khi có mưa lớn. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục xây dựng những giải pháp về thoát nước theo hướng bền vững, bao gồm những giải pháp phi công trình. Cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý, giải pháp công trình phù hợp.

Xây dựng chương trình đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước và công trình xử lý nước thải các đô thị là chiến lược để giải quyết bài toán quản lý và phát triển đô thị hiện đại, trước quá trình đô thị hóa và dân cư tăng nhanh, đồng thời xử lý các vấn đề nóng của đô thị như: Ùn tắc giao thông, ngập lụt đô thị, ô nhiễm môi trường. Hướng đến môi trường sống trong sạch, an toàn và đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán đường biến thành sông mỗi khi mưa lớn