Miền thánh đợi- tuyển tập có chọn lọc gồm 40 tác phẩm của Nguyễn Văn Học trong sự nghiệp sáng tác của anh có một điểm chung duy nhất là viết về cuộc đời con người với những góc khuất trong cuộc sống, những cái tốt tồn tại len lỏi giữa những thế lực đen tối xấu xa bủa vây.
Và dù công việc của bạn có là gì, cái để làm nên giá trị con người bạn đó chính là lương tâm. Giống như Harper Lee trong Giết con chim nhại có nói: “Lương tâm là thứ thiêng liêng nhất của con người, không ai có thể cướp đoạt nó khỏi ta, trừ khi chính ta lựa chọn từ bỏ”.
Con người từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi đời, ở giai đoạn nào cũng cho ta những thử thách để tồn tại. Khi bạn còn là một đứa trẻ, bạn phải phụ thuộc vào những người trực tiếp chăm sóc mình. Khi lớn lên, bạn vừa phải tự đứng vững được trên đôi chân của mình, vừa phải làm điểm tựa được cho người khác. Trong hành trình dài ấy, mỗi người sẽ có những ngã rẽ, những điểm nhìn và hướng đi khác nhau dựa trên môi trường sống của mình.
Trong Miền thánh đợi, Nguyễn Văn Học xây dựng nên một thế giới nhân vật, mà ở đó, mỗi người có một câu chuyện sống của riêng mình: từ làng quê nghèo khó đến thành thị nhộn nhịp, từ làm nghề xe ôm, gái điếm, dân văn phòng đến những người có trình độ văn hóa cao như tiến sĩ, viện trưởng…từ người lành lặn đến tàn tật, từ người có đức tin đến vô thần. Mỗi nhân vật trong câu chuyện của anh đều là “những dấu chấm than giữa hai ngoặc kép cuộc đời”.
Đó là những người cha, người mẹ âm thầm hi sinh vất vả lo cho con cái nhưng bất lực khi không khuyên bảo được con đi vào con đường đúng đắn, là sự tuyệt vọng khi không thể giữ được những gì là hoài cổ về một thời đã qua: những cây gạo, cây đa, những ngôi nhà cổ tồn tại hàng trăm năm tuổi. Đó còn là nhứng người trưởng thành về mặt thể chất nhưng có lẽ còn non nớt về đường đời, khi họ lựa chọn cuộc sống của mình một cách cảm tính, chẳng phân rõ trắng đen, để rồi gánh nặng đè lên vai là những sự cô đơn, trống trải, những suy nghĩa lệch lạc, những hành động phá bĩnh, những hành vi vô nhân, những sự ngột ngạt không lối thoát để họ phải thốt lên những lời đầy ai oán: “ Hạnh phúc thật xa xỉ đối với em”; “cô đơn ơi là cô đơn”.
Cuộc đời là những sự lựa chọn: yêu ai, lấy ai, làm gì, làm như thế nào, sống ra làm sao đều là sự tự do lựa chọn của mỗi cá nhân. Cái hay và thường thấy ở con người là thường đổ cho sự lựa chọn của mình là vì một cái gì đấy tác động: yêu nhau rồi phản bội là vì xa cách, thời gian bên nhau ít; những cô gái trẻ vùng quê ra phố lao vào những cuộc trao đổi tình tiền vì gia cảnh nghèo khó; vợ chồng không chung thủy vì bị người khác dồn ép, vì hoàn cảnh ép buộc chứ bản thân đâu muốn vậy; sống một cuộc sống khôn lỏi, tinh ranh lọc lừa vì “không dại gì mà từ chối sự ưu ái”, mình không làm “rồi nó cũng đến tay kẻ khác chứ không thoát được”, “người ngoài cũng không ai nghĩ anh liêm khiết đâu. Vậy thì đừng có liêm khiết”.
Và lẽ dĩ nhiên, con người cũng phải trả giá cho sự lựa chọn của chính mình. Đổ vấy lên cho ai được khi chính họ ngày đêm bị chìm đắm trong những hận thù, nghi kị, ghen ghét, ân hận: gia đình lục đục, bạn bè trở thành kẻ thù, sức khỏe sa sút, sự nghiệp tiêu tan, có khi rơi vào vòng lao lý, gia đình trở thành nơi lạnh lẽo vỡi những đứa trẻ, lòng tin giữa người với người, giữa con người với thần linh trở nên lạnh nhạt. Dù là ai cũng vậy, cũng sẽ có lúc ngồi lặng lẽ mà trầm ngâm suy nghĩ, cảm thấy sức nặng lòng mình mà không thể nào gỡ ra được. Đó chính là lúc chúng ta trở thành những “dấu chấm than giữa hai ngoặc kép cuộc đời”.
Đọc Miền thánh đợi, tôi mới thấy rằng, không phải ngẫu nhiên Nguyễn Văn Học quan niệm “Văn chương không phải để giải khuây, dẫu có là cuộc chơi thì cũng là sang trọng. Xét đến cùng, với tôi văn chương là phương thức để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội, để con người muốn sống, sống có khao khát, biết yêu và chịu trách nhiệm về bản thân mình”. Từng câu chuyện anh viết ra, từng nhân vật anh xây dựng, tất cả đều hướng về một điểm là sự thức tỉnh con người trước thời cuộc.
Xã hội hiện đại, áp lực của những người lao động: vừa giữ mình trong sạch lại phải vừa nuôi sống gia đình cho tốt, nếu tâm không vững dễ rơi vào vòng xoáy cám dỗ, đánh mất mình như “anh” trong Bụi cay mắt người, “tôi” trong Tháng ngày rời rạc. Cuộc sống được nâng tầm, cũng kéo theo nhiều ham muốn, mơ mộng về cuộc sống việc nhẹ lương cao của những cô gái có chút nhan sắc, những sinh viên nghèo từ quê ra phố trong Nhậu thuê, là diễn viên nhưng “đâu có diễn viên gì, chỉ là em diễn với mình, diễn với khách và diễn với số phận hẩm hiu” trong Mùa nhan sắc; câu chuyện về những đứa con gái mới bước vào đời, phải lựa chọn giữa mất nhân phẩm để có chỗ dựa lưng hoặc là không được thuận lợi trong Khúc ca cho đời;… Và cái kết là đồng tiền tốn ít mồ hôi thì cũng tiêu tan nhanh chóng. Những phận đời trôi dạt, không còn biết tương lai ra sao như một bài học sâu sắc để ai đọc nó lên cũng phải ghim kĩ vào mình mà tỉnh đòn.
Làm cha, làm mẹ, lo cho con cái có cuộc sống no đủ đã là một thành công lớn. Nhưng nếu chỉ chú trọng vật chất mà quên mất món ăn tinh thần cho con cái là một sự thiếu hụt lớn lao, thậm chí nó còn có tội lớn hơn cả sự nghèo đói khi vô tình chính họ bỏ rơi, đẩy con cái vào những suy nghĩ lệch lạc, ăn chơi đua đòi, hút chích, phá thai, rạch tay, tự tử. Đó là Lợi trong Con khổng tước và cô tiểu thư, là Dũng trong Mùa nhan sắc, là cô chủ và cậu chủ trong Ma- nơ- canh, cô gái trong Làm hoa cho người ta hái, là Vân trong Ngôi nhà có nhiều ô cửa, thằng Bường trong Miền thánh đợi… Những người cha mẹ ở đây chỉ chăm chăm kiếm tiền, ông chẳng bà chuộc, ông ăn ốc thì bà ăn nem, hoặc là chính họ che đậy việc làm sai trái bằng những lời đạo đức để rồi khi con cái nhận ra, chúng hụt hẫng, mất niềm tin “nhận ra sự giả tạo trong nụ nười của mẹ, sự gian xảo trong nụ cười của cha”, “thấy căm ghét thế giới của mình hơn bao giờ hết”. Chính sự buông lỏng đạo đức bản thân của các bậc cha mẹ đã dẫn con cái đến bờ vực của sự sai trái. Bởi lẽ “thế hệ trẻ chúng con là những trang giấy trắng”, “chúng con không nên bị làm cho hoen ố. Nhưng sự thực, nhiều tờ giấy đã ố vàng từ lâu”.
“Đã là con người, được sống là điều đáng giá nhất”. Nhưng sống sao cho đáng sống, cho có giá trị cần một sự đánh đổi lớn lao, đánh đổi bằng mồ hôi, mệt nhọc và cả nước mắt. Như Ngọc Lan trong Ở bên này thế giới, giấc mơ về cái chết đã làm cô thức tỉnh, vượt qua mọi khổ đau, khiếm khuyết và bất công trong đời để tự mình vươn lên, tự mình làm chủ cuộc đời. Như Thuẫn trong Bụi cay mắt người: lái xe ôm, nhà nghèo, đông con, vợ mất, sự cùng quẫn ấy khiến anh mệt mỏi nhưng ít nhất tâm anh sạch, không thẹn với lòng. Hay Khẩn trong Giữ lấy vị muối tâm hồn, giữa tình nghĩa và danh lợi, giữa dối trá và sự thật, anh đã chọn “làm muối thế gian và chia cho ngươi khác nữa”, anh thấy lòng như trút được gánh nặng cúng giống như việc anh thở phào nhẹ nhõm vì đã vất được túi rác vào đúng vị trí của nó mà không làm phiền đến ai. Là Ngảo trong Cô gái hát thánh ca , dù bị tàn tật nhưng vẫn làm đủ mọi cách để có thể giúp mẹ con cô Mong được sống cuộc sống con người. Cho nên chúng ta phải luôn luôn thức tỉnh, luôn luôn giữ tâm trong sạch, vì “ngáo ộp của thời bình khủng khiếp hơn thời chiến”- cái ví von của người bố về sự nguy hiểm của chiến tranh để lại không là gì với những hậu quả của xã hội đồng tiền trong Mùa nhan sắc thấy hay mà thấm quá. Trong chiến tranh, người ta thiếu thốn vật chất nhưng tình người luôn rộng mở, là những tiếng cười hào sảng ra chiến trường, tiếng cười vang ngay cạnh những hố bom. Còn bây giờ, sống trong thời bình , con người là nô lệ của sự tồn tại, ăn uống, sinh hoạt, không được hít thở thênh thang giữa điều kiện gọi là thoải mái, thanh thản.
Để có cái tâm trong sạch, nó cũng cần được nuôi dưỡng và chữa lành trong những môi trường trong lành, yên ả. Những cây gạo, cây đa, cây khế cổ thụ, được Nguyễn Văn Học nhìn nhận như một con người có cảm xúc, có suy nghĩ. Chúng vui buồn theo người và cũng sợ hãi khi chúng có nguy cơ không thể tiếp tục tồn tại. Khu vườn nhà ông bà chủ với sự gần gũi giữa thiên nhiên và con người. Những cây cổ thụ, những ngôi nhà cổ, những chiếc bình cổ như tượng trưng cho một thế hệ cha ông chúng ta, dù trải qua bão táp phong ba, chiến tranh khói lửa vẫn bền bỉ tồn tại. Và người trẻ, có những người lại chẳng muốn biết, chẳng muốn nhớ đến, thậm chí muốn chôn vùi sâu vào dĩ vãng như số phận của “hoa ký ức”- kết quả của sự gắng gượng, trì níu sự biến mất, gìn giữ những giá trị tinh hoa của một thời đã qua nhưng bị vùi dập không thương tiếc. Nhưng cũng có những người như chị em Diệp Vân, Diệp Sương, tuy gia đình không trọn vẹn nhưng vẫn thương yêu nhau, vẫn ngày ngày ngồi dưới gốc đa uống nước vối và tận hưởng sự dịu lành mà cụ đa mang lại. Hay tình yêu của Thành và Hằng, mối nhân duyên từ thời ông bà để lại cuối cùng đã có trái ngọt. niềm tin vào tình yêu, sự chân thành bất diệt vẫn còn tồn tại trong xã hội tưởng như xô bồ này.
Là người theo đạo Công giáo, anh luôn tin vào giáo lý của Chúa cùng những điều răn dạy của Ngài. Nhưng cũng rất lý trí để nhìn nhận ra ai mới thực sự sống theo đức tin, còn có những người chỉ giả tạo, bên ngoài đức độ nhưng bên trong là những mưu mô, xảo trá, trái với lương tâm con người như ôm trùm xứ đạo, lão Toách, thàng Bường, lão Khoái… Với anh, dù là đạo Phật hay đạo Thiên Chúa hay bất kỳ tôn giáo nào thì cũng đều hướng con người ta đến sự thánh thiện. Bản thân các tôn giáo không hề xấu, chỉ có con người dưới vỏ bọc tôn giáo bị cám dỗ bởi đồng tiền, lòng tham, ích kỷ mới làm xấu đi hình ảnh của những người có đạo. Bởi lẽ “dưới mặt trời, con người tự thiêu đốt nhau, bản thân mặt trời không thiêu đốt”. Sự nhìn nhận của Đến- một người vốn không phải con chiên của đạo nhưng luôn khao khát được làm con chiên ngoan đạo trong Miền thánh đợi như minh chứng cho cái nhìn của Nguyễn Văn Học về thế nào là sống có đức tin.
Trải qua nhiều bi kịch, tổn thương, con người tìm thấy những ý nghĩa và giá trị cuộc sống, thấy mình phải sống khác đi. sự ràng buộc chồng chéo giữa người với người khiến người ta phải học cách ứng xử không ngoan hơn, và chỉ cần có lý do để sống thì có thể chịu đựng được bất cứ điều gì, nhận thấy sinh ra cái giàu và cái nghèo không ai có tội cả, “con người chỉ có tội khi giàu có không biết giữ, nghèo hèn không tìm được kế vươn lên”. Sự tinh ranh của lũ chuột cũng như sự thông đồng của lũ có dại vốn chẳng bao giờ cúi đầu vì chúng đâu có hạt thóc mẩy như một sự mách bảo con người rằng chúng sẽ chẳng bao giờ biến mất hoàn toàn, “mắt chúng có ở khắp nơi, chúng lại ẩn nấp trong bóng tối”. Con người chỉ còn cách là đề phòng và chế ngự chúng trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Yêu văn và gắn bó với nghề báo đã giúp Nguyễn Văn Học nhìn nhận mọi vấn đề trong cuộc sống vừa văn nghệ vừa thực tế. Những chất liệu cuộc sống mọi nơi anh đặt chân đến kết hợp với lối viết giàu cảm xúc, hình ảnh, đan xen là lối viết ví von, sử dụng những hình ảnh nhân hóa của vật để nói người đã giúp anh khắc họa được nhiều bộ mặt của cuộc sống, phơi bày được nhiều góc khuất và những ẩn ý đằng sau những câu chuyện anh viết. Lúc sâu cay, lúc kín đáo, lúc lại như muốn phơi bày hết ra. Nhịp điệu văn của anh cũng có lúc dồn dập theo nhịp chạy cuộc sống, có lúc lại chậm rãi để đi theo sự trầm ngâm của nhân vật, có lúc lại nhẹ bẫng vi vu trong vườn cây xào xạc, trong cánh đồng lúa mênh mang bát ngát, hay bên dòng sông gió mát quyện hương cỏ cây.
Miền thánh đợi- miền đất hứa của thần linh dành cho những người khôn ngoan, đức độ. Đó là cuộc sống, là giấc mơ của mỗi con người chúng ta ngày đêm mong mỏi, dù là người có đức tin hay không có đức tin. Dẫu biết còn nhiều khó khăn ngang trái trên đường đời mưu sinh, nhưng chỉ cần chúng ta biết dừng lại ngay hiện tại để nhìn nhận lại bản thân mình, một cuộc sống khác chắc chắn đang chờ đợi ta chúng ta.