Kinh tế

Giá vật liệu cao ngất ngưởng so với công bố, doanh nghiệp xây lắp “méo mặt”

Thanh Phương 23/03/2023 14:24

Không ít các dự án xây lắp, thi công hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang rơi vào tình trạng hoạt động “cầm chừng” do các đơn vị thi công lỗ nặng bởi giá vật liệu xây dựng (VLXD) mua ở bên ngoài cao hơn nhiều lần so với đơn giá Nhà nước công bố. Nguy cơ doanh nghiệp phá sản vì nếu càng làm càng lỗ hoặc phải trả dự án, giải tán công ty, chuyển lĩnh vực khác.

Trong Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Thanh Hóa diễn ra ngày 21/3 do Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa tổ chức, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh "kêu trời" do phải đình chỉ hoạt động vì vướng các quy định của phòng cháy chữa cháy.

Các doanh nghiệp xây lắp thì khổ sở bởi giá VLXD tăng phi mã. Hợp đồng trọn gói đã ký từ trước đó không thể điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư khiến họ lâm tình thế lỗ kéo dài. Đơn vị nào càng làm nhiều dự án thì càng lỗ. 

Thanh Hóa đang vươn mình trở thành cực tăng trưởng mới của phía Bắc. Địa phương này đã gia nhập CLB 500 nghìn tỷ. Nhiều dự án giao thông quan trọng đang được triển khai trên địa bàn như cao tốc Bắc- Nam, đường ven biển; đường TP Thanh Hóa đi cảng hàng không Thọ Xuân; trục giao thông nối QL 217- QL45- QL 47 và nhiều các tuyến đường ngang liên huyện, xã khác...

a1vlxd.jpg
Thanh Hóa chậm giải ngân đầu tư công do giá VLXD tăng, khan hiếm

Theo công bố giá VLXD gần đây nhất của liên Sở: Xây dựng và Tài chính, khu vực TP Thanh Hóa, cát bê tông 215 nghìn đồng/m3, cát trát 225 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, theo khảo sát giá thị trường, giá cát xây, trát 400 nghìn đồng/m3, cát nền 250 nghìn đồng/m3.

Tại huyện Quảng Xương, giá theo công bố cụm I, cát xây, trát 267.800 đồng/m3, thực tế giá thị trường 350 nghìn đồng/m3 (chưa thuế VAT); cát bê tông giá công bố 289.200 đồng/m3, giá thị trường 350 nghìn đồng/m3 (chưa thuế giá trị gia tăng).

Tại huyện Quan Hóa, cụm I giá công bố là 245 nghìn đồng/m3, thực tế thị trường 400 nghìn đồng/m3; cát nền thông báo 165 nghìn đồng/m3, thực tế không có hàng để bán…

Trong khi đó, hầu hết các ban quản lý dự án từ tỉnh đến huyện đều căn cứ vào giá công bố của Sở Xây dựng làm căn cứ mời thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán các công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân đầu tư công trên địa bàn là do các dự án chậm tiến độ. Việc chậm tiến độ chủ yếu do khan hiếm VLXD hoặc giá quá cao so với đơn giá khiến đơn vị thi công không thể bù lỗ.

Một số bất cập khác ở các dự án khi thẩm định thì đất, đá đã được quy hoạch tại 1 vài trị trí mỏ. Nhưng thực tế khi thi công thì các mỏ chỉ đưa vào khai thác 1 thời gian thì hết hạn, hết trữ lượng hoặc phải dừng do cơ quan chức năng yêu cầu.

Để đảm bảo tiến độ ký kết, doanh nghiệp buộc phải mua đất, đá ở mỏ khác thì lại bị các đơn vị chức năng quy kết là mua đất không đúng vị trí.

a2vlxd.jpg
Giá VLXD tăng cao hơn nhiều so với giá công bố

Việc công bố giá VLXD hàng tháng, hàng quý không sát với thực tế giá thị trường, cùng với việc khan hiếm đất, cát đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tiến độ của các công trình, dự án của doanh nghiệp thực hiện các gói thầu có sử dụng vốn Nhà nước.

Để có nguồn VLXD và hóa đơn cung cấp cho các công trình, nhiều nhà thầu xây dựng đã đấu mối với các chủ mỏ nhưng lại không có trữ lượng để bán, nếu có bán thì giá cao gấp đôi so với giá công bố của cơ quan chức năng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Như Thanh Nguyễn Hoàng Ngọc cho biết: "Bức tranh chung của các doanh nghiệp là khó khăn do nhiều yếu tố. Trong đó có giá VLXD cao hơn nhiều so với đơn giá đã được công bố. Điều này sẽ khiến việc thi công các công trình trên địa bàn bị ảnh hưởng. Một số chủ mỏ lợi dụng sự khan hiếm của vật liệu đã ép giá khiến các nhà thầu cần đất, đá san lấp thêm phần khó khăn. Chúng tôi đã phối hợp với phòng Kinh tế hạ tầng đã khảo sát, báo cáo cấp trên liên quan về giá vật liệu để có hướng điều chỉnh, công bố giá cho phù hợp với thực tế".

Theo khảo sát của PV, hầu hết các doanh nghiệp xây lấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, TP Thanh Hóa… đều lâm vào tình cảnh khó khăn vì giá VLXD tăng cao. Thêm vào đó, các chủ mỏ đều bán giá cao hơn giá niêm yết nhưng khi xuất hóa đơn lại chỉ bằng giá đã công bố. Điều này khiến cho doanh nghiệp tăng chi phí ngoài và khó trong việc khớp hóa đơn, chứng từ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Thông cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề giá VLXD tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiến độ thi công các dự án của doanh nghiệp thực hiện các gói thầu có sử dụng vốn Nhà nước. Để có VLXD và hóa đơn cung cấp cho các công trình, nhiều nhà thầu xây dựng đã đấu mối với các chủ mỏ nhưng lại không có trữ lượng để bán, nếu có bán thì giá cao hơn rất nhiều so với giá công bố của liên Sở Xây dựng - Tài chính. Hiệp hội đã tổng hợp để báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc xem xét, tháo gỡ cho doanh nghiệp cũng như gỡ điểm nghẽn để giải ngân vốn đầu tư công".

a3vlxd.jpg
Không ít các công trình chậm tiến độ

Được biết, Thanh Hóa hiện có trên 27.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng gần 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có phát sinh doanh thu.

Năm 2022, có 3.712 doanh nghiệp mới được thành lập, đứng thứ 6 cả nước; có: 1.275 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 14,6% so với cùng kỳ; và có 1.209 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giảm 16,7% so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp đạt 486.993 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 13.670 tỷ đồng, chiếm 45,6% tổng thu nội địa, tăng 36,3% so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá vật liệu cao ngất ngưởng so với công bố, doanh nghiệp xây lắp “méo mặt”