Việc đưa Gia Lâm từ huyện lên quận của Hà Nội đang thúc đẩy khu Đông phát triển, tạo “bệ phóng” cho bất động sản khu vực này tăng trưởng mạnh hơn.
Lợi thế giúp Gia Lâm sớm “về đích” trong năm nay
Gia Lâm có diện tích tương đối rộng, quỹ đất lớn, có sự thay đổi tích cực về dân số, hệ thống giao thông và hạ tầng xã hội. Khu vực này đang được đầu tư phát triển bài bản, đồng bộ. Là đơn vị đi sau, Gia Lâm có điều kiện thuận lợi để xây dựng trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Đặc biệt là khi thành phố Hà Nội ra quyết định quy hoạch Gia Lâm lên quận vào năm 2023, vốn đầu tư rót về đây lại càng lớn hơn nữa.
Trong bản đồ quy hoạch Gia Lâm giai đoạn 2021-2030 của Sở Tài nguyên và Môi trường, gần 200 dự án đang và sẽ được đầu tư, trong đó phải kể tới các công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận.
Quận Gia Lâm tương lai vốn đã giữ vị trí chiến lược khi gần kề với 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh - 2 khu vực được xem là “thủ phủ” khu công nghiệp miền Bắc với nguồn cầu khổng lồ về hạ tầng nhà ở. Không những vậy, Gia Lâm còn là cửa ngõ nối Thủ đô với tam giác kinh tế Đông Bắc gồm: Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là điểm đến của chiến lược di cư “hướng đông” nhằm giải quyết bài toán quá tải hạ tầng trong nội đô.
Một lợi thế rõ ràng của Gia Lâm đó là sự triển khai dự án mạnh mẽ của các chủ đầu tư lớn, với tốc độ thi công nhanh vượt trội, hệ sinh thái tiện ích tốt nhất miền Bắc phục vụ dòng dân chuyển dịch về đây. Ví dụ như Vinhomes Ocean Park 1, trong thời gian chưa đầy 2 năm, từ tháng 10/2018 đến tháng 7/2020 đã bàn giao thành công 9.000 căn hộ; hay trong 70 ngày đã xây dựng xong hồ Ngọc Trai rộng 24.5 ha.
Trước khi Gia Lâm lên quận, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông cũng đã bắt đầu được triển khai. Tiêu biểu là nút giao kết nối trực tiếp tuyến đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã khánh thành, cầu Vĩnh Tuy 2 đang triển khai rầm rộ… Cùng với đó, Gia Lâm được Hà Nội đồng ý với đề xuất đầu tư ba cầu vượt tại nút giao đường Ngô Xuân Quảng với QL5, nút giao QL5 với đường Đông Dư – Dương Xá, nút giao Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng…
Thông tin huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023 kèm theo sự xuất hiện của những công trình giao thông “nghìn tỷ” đã đưa nơi đây trở thành tâm điểm thu hút đầu tư. Đặc biệt là từ khi có sự xuất hiện của đại đô thị Vinhomes 420 ha từ năm 2018, bất động sản Gia Lâm đã bắt nhận được sự chú ý, giá đất tăng vọt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá bất động sản tăng vọt khi Gia Lâm lên quận
Quy luật thị trường cho thấy, hạ tầng mở rộng đến đâu, giá bất động sản lên theo đến đấy. Đầu tiên, giá sẽ tăng mạnh khi “thông tin lên quận”, chủ yếu diễn ra ở phân khúc đất nền. Sau đó giá sẽ tăng đều trở lại khi quận/huyện đó hình thành khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Với Gia Lâm cũng không ngoại lệ. Khi Gia Lâm lên quận, việc tăng giá là điều đương nhiên nhưng quan trọng là chu kỳ tăng giá sẽ như thế nào, và việc tăng giá cũng tùy thuộc vào khu vực, phân khúc sản phẩm bất động sản đó có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không.
Sau giai đoạn lên quận của Hà Đông, chung cư khu Tây vẫn có tăng trưởng giá đều 7%/năm. Với Khu Đông trong đó có Gia Lâm, ở giai đoạn trước khi lên quận, giá chung cư sơ cấp tăng 16%/năm.
Lý giải cho việc tăng giá này, Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng của One Mount Real Estate cho biết, các dự án tại khu vực phía Đông đang đáp ứng đại đa số nhu cầu của người mua nhà. Với khoảng giá 3-4 tỷ, đây sẽ là lựa chọn của nhiều gia đình, trong khi đó mức giá dưới 2 tỷ sẽ là lựa chọn của các bạn sinh viên hay người trẻ mới lập nghiệp.
Với việc phát triển hạ tầng như hiện tại, kết nối của Gia Lâm với các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng... sẽ giúp việc đi lại kết nối dễ dàng hơn bao giờ hết.
Bất động sản căn hộ ở khu Đông tập trung ở nhóm khách hàng từ 25 - 45 tuổi, tâm lý cởi mở, họ sẵn sàng lựa chọn sống tại các đại đô thị để vừa có không gian xanh, vừa sẵn hệ sinh thái tiện ích đáp ứng nhu cầu sống hiện đại và chất lượng. Cũng chính phân khúc khách hàng này sẽ cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản phục vụ cho nhu cầu ở thực trong thời gian tới, và các chủ đầu tư cũng tập trung nghiên cứu hành vi và phát triển dự án phù hợp với xu hướng cho đối tượng này.
Về nguồn cung cao tầng, khu Đông (trong đó có Gia Lâm) 3 năm tới từ 2023 - 2025 dự kiến sẽ chào đón thêm khoảng 87,900 căn hộ mở bán mới. Dự kiến thị phần căn hộ của khu vực này đạt khoảng 46% trong giai đoạn 2023 - 2025, trở thành khu vực dẫn đầu về nguồn cung căn hộ cao tầng tại Hà Nội và Hưng Yên. Nguồn cung này chủ yếu đến từ các khu đô thị vệ tinh tích hợp nhiều tiện ích nhất, điển hình như dự án Vinhomes Ocean Park 1, Vinhomes Ocean Park 2 và Vinhomes Ocean Park 3…
Nhu cầu bất động sản, đặc biệt chung cư hiện tại tương đối cao do nhu cầu để ở lớn, chủ yếu đến từ những hộ gia đình trung lưu. Trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm khoảng 75.000 hộ gia đình trung lưu (theo Oxford Economics).
Tiếp theo, phân khúc chung cư có mức giá hấp dẫn hơn so với nhà thổ cư. 3 tỷ có thể mua 1 căn hộ 2 phòng ngủ, trong khi khó có thể mua được một căn nhà đầy đủ tiện nghi ngay chính tại Gia Lâm.
Đặc biệt, theo định hướng phát triển của Hà Nội, khu Đông trong đó có Gia Lâm sẽ là nơi đón làn sóng dịch chuyển cư dân từ khu vực “nội đô lịch sử" - vốn đã quá tải về hạ tầng nhà ở, tiện ích, sang đô thị hiện đại được đầu tư bài bản hạ tầng, tiện ích và đảm bảo chất lượng sống của người dân.