Ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2019

Thảo Nguyên| 21/05/2019 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

So với năm 2018, năm nay Hà Nội ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản sớm hơn, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân nên sớm đưa trẻ đi tiêm vắc xin.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019 tại Hà Nội là một cháu bé 4 tuổi (ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ).

Bệnh nhi nhập viện vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Hiện tại tình trạng bệnh đã có diễn biến khả quan.

Ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2019

Một trẻ bị viêm não Nhật Bản đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%). 

Từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: Sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp…

Điều đáng nói là bệnh viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1 - 2 ngày là trẻ tử vong. Nguy hiểm hơn, bệnh để lại những di chứng thần kinh về sau.

Trước diễn biến trên, Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Đồng thời, chú ý các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh môi trường sạch sẽ nơi ở và quanh nơi ở để muỗi truyền bệnh không có nơi trú đậu; khi ngủ cần buông màn; không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt…

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 81 trường hợp mắc sởi, 19 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc tay chân miệng, 3 trường hợp mắc ho gà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2019