Việt Nam hiện có gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài theo học các chương trình đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh. Trong đó, khoảng 4.000 lưu học sinh theo diện Hiệp định Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong năm học 2018-2019, Bộ đã ký kết 21 văn bản hợp tác với nước ngoài, trong đó 6 cấp Chính phủ, 15 cấp bộ, tăng đáng kể so với năm học 2017-2018 là 16 văn bản gồm 3 cấp Chính phủ và 13 cấp bộ.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã tạo điều kiện cho các trường Đại học có uy tín nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam, tăng cường các hoạt động đầu tư, hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo. Hiện nay, cả nước có tổng số 455 dự án FDI thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên tổng số 27.353 dự án đầu tư nước ngoài của 19 ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện cũng có gần 21.000 lưu học sinh nước ngoài theo học các chương trình thuộc trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh. Trong số đó có khoảng 4000 lưu học sinh theo diện Hiệp định Chính phủ.
Biểu đồ số liệu lưu học sinh ở nước ngoài trong năm học 2018-2019
Để tăng cường hội nhập quốc tế, năm học 2018-2019, nhiều địa phương trong cả nước đã mở rộng dạy chương trình song ngữ tại các trường phổ thông, liên kết với gần 550 chương trình và trên 340 cơ sở quốc tế để mở rộng các cơ sở giáo dục đại học trong nước.
Qua đó, các cơ sở giáo dục đại học đã có điều kiện trao đổi giảng viên, chuyên gia, sinh viên quốc tế; để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học sinh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào dạy, học và quản lý, góp phần tích cực hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc hội nhập quốc tế trong giáo dục còn một số hạn chế, đặc biệt là việc thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương và cơ sở giáo dục. Hoạt động hội nhập được diễn ra mạnh mẽ ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, trong khi các địa phương nông thôn, vùng núi còn khó khăn.
Một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng các quy định về liên kết đào tạo; cơ cấu ngành nghề đào tạo trong liên kết đào tạo bị mất cân đối do tập trung nhiều vào các nhóm ngành Kinh tế - Quản lý (70%), nhóm ngành Khoa học kỹ thuật và Công nghệ còn hạn chế (30%). Các chương trình liên kết đào tạo mới chủ yếu tập trung ở trình độ đại học, thạc sĩ, rất ít trình độ tiến sĩ, cũng là một bất cập của công tác hội nhập quốc tế này.