Facebook rút lại quyết định cắt quyền truy cập thông tin của cả nước Úc

Minh Anh| 24/02/2021 10:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hành động có phần bất chấp, gây hấn của Facebook với cả nước Úc thì mạng xã hội này đã phải đối mặt với một chiến dịch tẩy chay quy mô lớn. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 ngày sau, Facebook đã rút lại quyết định trên.

Ngày 18/2, Facebook đã chặn tất cả người dùng Úc khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nên tảng của mình. Động thái này diễn ra khi Quốc hội Úc dự kiến thông qua một dự luật truyền thông mới, yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook phải chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn truyền thông nước này.

cong4.jpg
Người dùng tại Australia không thể chia sẻ tin tức trên Facebook vào tuần trước. Ảnh: NY Times.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 ngày sau, Facebook đã rút lại quyết định trên. Mạng xã hội này cho biết đã đạt thỏa thuận với chính phủ Australia và sẽ sớm hiển thị lại tin tức tại đây.

"Sau thời gian bàn thảo, chúng tôi đã thỏa mãn với việc Chính phủ Australia đồng ý một số thay đổi và hứa hẹn để giải quyết những lo ngại lớn nhất của chúng tôi", mạng xã hội này thông báo.

"Chính phủ Australia nhận được thông tin từ Facebook rằng họ sẽ mở lại các trang tin tức trong thời gian tới", văn phòng Bộ trưởng Truyền thông Australia Paul Fletcher thông báo.

cong2.jpg
Facebook đã chặn tất cả người dùng Úc khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nên tảng của mình.

Theo CNBC, Chính phủ Australia đã đưa ra những thay đổi vào phút chót đối với luật kiểm soát các mạng xã hội. Dự luật này sẽ được đưa ra Quốc hội Australia bàn luận trong thời gian tới.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất ở dự luật là khoảng thời gian 2 tháng để các mạng xã hội và hãng thông tấn đàm phán về mức phí phải trả khi hiển thị tin tức. Nếu không thể đạt thỏa thuận, hai bên sẽ phải phân giải ở tòa trọng tài.

Ngoài ra, Chính phủ Australia cũng có thể chấp nhận các thỏa thuận mà 2 nền tảng đã đạt được với những công ty truyền thông trước đó.

cong3.jpg
Lệnh cấm tin tức đột ngột của Facebook đã khiến những người trong ngành ngạc nhiên, vì nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi Google công bố thỏa thuận chia sẻ doanh thu với News Corp.

Theo đề xuất của Australia, nếu các nền tảng như Google, Facebook không đồng ý trả tiền cho nội dung báo chí, một cơ quan phán quyết độc lập sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp.

Dự luật của giới chức Australia sẽ hợp lý hóa quy trình cũng như củng cố vị trí của truyền thông truyền thống.

“Mục đích của bộ quy tắc là giải quyết tình trạng thương lượng không đồng đều giữa các doanh nghiệp truyền thông báo chí của Australia với các nền tảng trực tuyến lớn, vốn là những người có sức mạnh thị trường rõ ràng”, Rod Slims, Chủ tịch cơ quan quản lý bảo vệ người tiêu dùng của Australia, giải thích.

cong.jpg
Bộ trưởng Truyền thông Australia, ông Paul Fletcher cho rằng mối quan hệ giữa các công ty truyền thông và nền tảng công nghệ dần trở nên mất cân bằng. Ảnh: EPA.

Các công ty công nghệ cho biết động thái của chính phủ Australia sẽ tạo động lực giúp các nhà xuất bản tin tức đẩy giá trị ấn phẩm báo chí. Những nền tảng này cũng chỉ ra một báo cáo của chính phủ ước tính 75% cuộc đàm phán này sẽ kết thúc thông qua phán quyết của trọng tài.

Các nhà phê bình cho rằng Google và Facebook chỉ đơn giản đang cố gắng duy trì vị thế “cửa trên” của mình đối với giới truyền thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Facebook rút lại quyết định cắt quyền truy cập thông tin của cả nước Úc