Sau hành động có phần bất chấp, gây hấn của Facebook khi cắt quyền truy cập thông tin của cả nước Úc thì hiện tại mạng xã hội này đang đối mặt với một chiến dịch tẩy chay quy mô lớn. Bên cạnh đó, hashtag #DeleteFacebook xuất hiện khắp mọi nơi.
Ngày 17/2, Facebook đã chặn tất cả người dùng Úc khỏi các nội dung tin tức, bao gồm cả nội dung từ Chính phủ trên nên tảng của mình.
Động thái này diễn ra khi Quốc hội Úc dự kiến thông qua một dự luật truyền thông mới, yêu cầu các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook phải chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn truyền thông nước này.
Với hành động có phần bất chấp của mình, hiện các nhà xuất bản tin tức của Úc sẽ bị hạn chế đăng tin tức của họ lên Facebook. Trong khi đó, người dùng Facebook ở Úc cũng sẽ không xem được tin bài từ các nhà xuất bản quốc tế.
Người dùng Úc cũng không thể xem các bài báo mà người dùng Facebook trên toàn thế giới chia sẻ. Người dùng trên toàn cầu cũng không thể chia sẻ các tin bài của các nhà xuất bản Úc.
Chưa dừng lại ở đó, Facebook còn bị chỉ trích là "vô lương tâm" khi một số tài khoản mà chính phủ Úc hậu thuẫn cũng đã bị Facebook xóa sạch vào sáng 18/2.
Trong số các trang của chính phủ Úc bị ảnh hưởng bao gồm cả những trang đưa ra lời khuyên cho người dân về đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa liên quan tới cháy rừng.
Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg cho rằng việc Facebook chặn người dùng Úc khỏi tất cả nội dung tin tức, bao gồm cả những nội dung từ Chính phủ trên nền tảng của họ là "sai lầm" và "không cần thiết".
Sau hành động có phần bất chấp, gây hấn của Facebook, hiện tại mạng xã hội này đang đối mặt với một chiến dịch tẩy chay quy mô lớn.
Theo đó, kể từ đầu ngày hôm qua những dòng hashtag như "#DeleteFacebook" (Xoá Facebook), "#BoycottZuckerberg" (Tẩy chay Zuckerberg) và "#FacebookWeNeedToTalk" (Facebook, chúng ta cần nói chuyện) xuất hiện trên khắp các mạng xã hội khi làn sóng những người tức giận, phản đối động thái của Facebook mở rộng trên toàn cầu.
Chính trị gia người Mỹ David Cicilline đăng trên Twitter rằng: "Đe dọa khiến cả một quốc gia phải đồng ý với các điều khoản của Facebook là sự thừa nhận cuối cùng của quyền lực độc quyền".
Động thái cứng rắn của Facebook diễn ra hôm thứ Tư nhằm đáp lại luật Thương lượng Truyền thông mới được đề xuất của Úc, luật này yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ chia sẻ doanh thu quảng cáo từ các tin bài với các đơn vị sản xuất tin.
Lệnh cấm tin tức đột ngột của Facebook đã khiến những người trong ngành ngạc nhiên, vì nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi Google công bố thỏa thuận chia sẻ doanh thu với News Corp.
Một thành viên Quốc hội Anh là Julian Knight cho biết Facebook dường như đang sử dụng Úc như một "trường hợp thử nghiệm" về cách các chính phủ sẽ phản ứng khi có tin tức bị cấm. Ông kêu gọi các nhà lập pháp trên khắp thế giới phải hành động để đưa Facebook vào khuôn khổ luật pháp.
Thậm chí, cựu giám đốc điều hành Facebook Australia là Stephen Scheeler cũng đã công khai kêu gọi người dùng xóa Facebook. Ông này chỉ trích CEO Mark Zuckerberg và cho rằng động thái của họ tại Úc là "đáng báo động".
"Tôi là một cựu Facebooker đáng tự hào, nhưng trong những năm qua, tôi ngày càng giận dữ hơn. Đối với Facebook và Mark, họ quan tâm quá nhiều tới tiền bạc và quyền lực hơn là lợi ích. Tất cả người dân Úc nên cảm thấy đáng báo động về điều này".
Về phần mình, Facebook đổ lỗi cho chính phủ Úc đã định nghĩa "mông lung và mơ hồ" về "tin tức" trong luật mới của mình. "Dự luật đã hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các đơn vị xuất bản.
Trái với suy nghĩ của vài người, Facebook không trộm tin tức, chính hãng tin mới là đơn vị muốn chia sẻ thông tin trên mạng xã hội này", Campbell Brown, Phó chủ tịch mảng quan hệ tin tức quốc tế Facebook bày tỏ.