Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/7 đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó cấm nhập khẩu vàng của nước này và phong tỏa tài sản của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank. Lệnh trừng phạt dự kiến có hiệu lực từ ngày 21/7.
Cộng hòa Czech, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU và chủ trì hội nghị các nhà ngoại giao EU ngày 20/7 cho biết, ngoài các biện pháp trên, EU còn bổ sung thêm nhiều cá nhân và thực thể của Nga có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào danh sách đen.
Lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga là nhằm đáp ứng quyết định đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó Đức, Pháp và Italy là thành viên, nhất trí tại cuộc họp hồi cuối tháng trước.
Trước đó, trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga được thông qua ngày 3/6, liên minh này đã cấm nhập khẩu hầu hết dầu mỏ của Nga. Theo đó, các nước EU có 6 tháng để ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga và 8 tháng để chấm dứt nhập các "sản phẩm xăng dầu tinh chế khác".
Tuy nhiên, có một "ngoại lệ tạm thời" với thời hạn chưa xác định dành cho các quốc gia thành viên mà "vì đặc điểm địa lý, phụ thuộc riêng vào nguồn cung từ Nga và không có phương án thay thế đáng kể khác". Tuy không được nêu tên, hai nước Hungary và Áo được ngầm hiểu nằm trong số đó. Bulgaria and Croatia cũng được hưởng sự gia hạn đó để có thể tiếp tục nhập "dầu thô và khí đốt" vận chuyển bằng đường biển.
Bên cạnh đó, trong gói trừng phạt thứ 6, EU đã chặn thêm 3 ngân hàng Nga và một ngân hàng Belarus tham gia giao thức thanh toán quốc tế SWIFT. Lệnh cấm tác động lên ngân hàng lớn nhất nước Nga - Sberbank, Ngân hàng Tín dụng Moscow, và Ngân hàng Nông nghiệp Nga, cũng như Ngân hàng Phát triển và Tái thiết Belarus.
Ngoài ra, EU còn ra các hạn chế đối với 3 cơ quan truyền thông Nga mà họ coi là "thuộc sở hữu nhà nước" và tố là "làm sai lệch thông tin và "gây bất ổn định" cho Ukraine và EU. Kênh Russia24 và RTR Planet cùng đài TV Centre của thành phố Moscow cũng bị cấm sóng, mặc dù nhân viên của họ vẫn có thể tiến hành nghiên cứu và phỏng vấn.
Trong gói trừng phạt thứ 6, vác cá nhân và thực thể EU cũng bị cấm cung cấp các dịch vụ kế toán, quan hệ công chúng, và tư vấn cho Nga. Khối này cùng bị cấm xuất khẩu 80 loại chất hóa học "có thể dùng để sản xuất các loại vũ khí hóa học" và mở rộng danh sách các sản phẩm và công nghệ lưỡng dụng có tiềm năng phục vụ ngành quốc phòng - an ninh của Nga.
Danh sách cá nhân và thực thể mở rộng sẽ bao gồm "các cá nhân ủng hộ chiến tranh", thành viên gia đình của các quan chức chính phủ, công ty công nghiệp quốc phòng, cũng như những người mà EU coi là chịu trách nhiệm về các "tội ác" ở Bucha và Mariupol.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở miền Đông Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã khiến giá nhiên liệu và thực phẩm ở châu Âu và Mỹ tăng lên. Chi phí sinh hoạt tăng cao đã ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, chính sách kiềm chế và làm suy yếu nước Nga là một chiến lược lâu dài của phương Tây, và các lệnh trừng phạt đã giáng một đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, theo tuyên bố được công bố ngày 21/7 trên trang web của chính phủ Anh, nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu vàng từ Nga và sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than và dầu.
Nội dung tuyên bố nêu rõ: “Sửa đổi này cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ, than đá và các sản phẩm từ than đá và vàng, cũng như việc mua, cung cấp và giao hàng, trực tiếp hoặc gián tiếp, các sản phẩm này... Lệnh cấm nhập khẩu vàng có hiệu lực từ ngày 21/7; lệnh cấm nhập khẩu than sẽ có hiệu lực vào ngày 10 tháng 8 năm 2022 và lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2022”.