Người ta thường nghe hát xoan ở sân đình, trên các chiếu được bày ra trước cửa đình. Còn ở đây, dân ta lại được nghe các câu xoan cổ ngay dưới chân cây nêu dựng ngày Tết cổ truyền ngay tại ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, mới thấy linh thiêng làm sao.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt thường dựng cây nêu để trừ tà, tránh điều xui xẻo và cầu mong may mắn cho năm mới.
Trong phong tục lâu đời của cha ông ta, cây nêu còn mang triết lý âm dương, bao hàm sự thống nhất và tác động qua lại giữa âm và dương hay sự liên kết giữa động và tĩnh, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất). Cây nêu ở đây là cây tre, cây trúc, bương, lồ ô dài khoảng 5 - 6 mét, chặt sạch lá chỉ để lại trên ngọn nhánh lá.
Dựng cây nêu trước cửa đình Làng So
Theo phong tục dân gian Việt Nam, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng chạp - ngày Táo quân lên chầu trời. Bởi, từ ngày này cho tới đêm giao thừa, Táo quân vắng mặt, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Trên ngọn cây có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ,…. hay treo những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như lá phướn, chuông gió. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng.
Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu và những tiếng động là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu. Buổi tối, người ta treo thêm một chiếc đèn lồng để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Ngày dựng cây nêu gọi là thượng nêu và được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp, còn ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người Hmông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch.
Khởi nguyên cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ. Nhưng theo thời gian cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu là cầu nối giữa vũ trụ với đất trời.
Trong các lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.
Không phải cây tre nào cũng được chọn làm cây nêu. Nêu phải là những cây tre già, lóng tre đều và còn nguyên lá tươi trên ngọn, được treo cờ hội vuông ngay bên dưới lá tre, được trang trí lồng đèn tạo mầu sắc, lá phướn mang câu chữ với ý nghĩa chúc mừng năm mới được treo cùng vị trí với cờ hội buông xuống bên dưới và những vật dụng trang trí tạo âm thanh như chuông đất, khánh sành hay chuông gió.
Đây cũng là một trong những tập tục được nhóm Đình Làng Việt và người dân làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội vừa tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm, nằm trong chương trình Tết Việt 2018 do nhóm tổ chức. Giữa không gian cổ kính của ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, nam thanh nữ tú trong làng cùng với quan khách cùng nhau dựng cây nêu trước sân đình.
TS Đoàn Trần Lâm chia sẻ về phong tục dựng cây nêu ngày Tết của người Việt
Theo TS Đoàn Trần Lâm, người có mặt trong buổi lễ dựng cây nêu ở đình làng So, phong tục dựng cây nêu ngày Tết là nét đẹp văn hóa đã có từ hàng ngàn năm của người Việt. “Theo thời gian, việc dựng cây nêu ngày Tết tuy có nhiều thay đổi theo tập quán của từng địa phương. Song ý nghĩa tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc thì không thay đổi. Chính vì vậy mà việc tái hiện phong tục dựng cây nêu ngày Tết một lần nữa nhắc nhở mỗi người ý thức giữ gìn một nét văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa”- TS Đoàn Trần Lâm cho biết.
Điều đặc biệt nhất của trong lễ dựng cây nêu ở đình So là sau phần thượng nêu, dưới chân cây nêu, các nghệ nhân trong phường xoan An Thái (từ Việt Trì, Phú Thọ) trình diễn một số tiết mục đặc sắc nhất của xoan. Với những câu hát xoan lúc bổng lúc trầm, ai nấy đều cảm nhận được sự linh thiêng của đất và trời trong không gian cổ kính của đình Làng So. Và đúng như bà trùm xoan An Thái cho biết, đặc trưng nhất của người hát xoan là “mắt lúng liếng, tay đưa, chân gõ theo nhịp”, các đào kép của phường xoan An Thái như điểm tô cho không gian linh thiêng hơn, ngay dưới chân cây nêu vừa mới được dựng.
Các nghệ nhân của phường xoan An Thái hát ngay dưới chân cây nêu vừa dựng trước cửa đình
Thường vào mùa xuân, có các phường xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Vào ngày mùng 5 âm lịch thường hát ở hội đền Hùng. Thời điểm hát được quy định tại một điểm nhất định, mỗi "phường" chọn một vị trí cửa đình. Hát cửa đình giữ cửa đình mục đích nhân dân địa phương kết nghĩa với nhau. Theo lệ dân tại chỗ là vai anh, họ (làng khác) là vai em. Khi kết nghĩa rồi cấm trai gái hai bên dân và họ kết hôn với nhau do là anh em.
Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, hát Xoan có những quy tắc nghiêm ngặt của phong tục, tín ngưỡng. Nơi biểu diễn ở phía trước nhang án trong đình làng và chỉ được hát từ ngày mồng 5 tháng Giêng, cho đến ngày mồng 10/3 Âm lịch (đúng hội Đền Hùng). Một cuộc hát Xoan luôn diễn ra với hai phần: Hát nghinh thần với bốn giọng lề lối mở đầu mang nội dung ca ngợi thần thánh và nói cảm xúc của dân làng trước thần linh, gồm: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang và đóng đám.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch
“Đây là lần thứ hai tôi cùng với các nghệ nhân của phường xoan An Thái về đình So tham gia chương trình Tết Việt. Được mang những điệu xoan của quê hương để phục vụ bà con trong không gian cổ kính và linh thiêng của đình So, lại được chứng kiến và tham gia các hoạt động mang nét văn hóa cổ truyền, gợi nhắc chúng tôi về một cái Tết truyền thống, ấm áp bên gia đình, tôi và mọi người đều quên hết mệt nhọc, dù phải dậy từ sớm ra xe để về đây”- bà Nguyễn Thị Lịch bộc bạch.
Có thể nói, trong bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Thét và Kim Đái của tỉnh Phú Thọ thì An Thái là phường xoan cổ lâu đời nhất và cũng là phường xoan có nữ làm “bà trùm”. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng là kép trống “khét tiếng” trong bốn phường xoan của Phú Thọ.
Trong hát xoan, kép trống có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ nhịp cho các kép và đào hát trong toàn bộ cuộc hát. Nếu kép trống mà không thuần thục giữ nhịp trống thì ảnh hưởng rất nhiều đến không khí và chất lượng của cuộc hát. Trước khi vào cuộc hát, kép trống sẽ đánh một hồi như lời mời và ra hiệu bắt đầu cuộc hát, sau đó là giữ nhịp cho cuộc hát. Khi chuyển các chặng hát thì bao giờ kép trống cũng phải co hồi trống chuyển tiếp.