Sức Khỏe

Dùng ECMO cứu bé 5 tuổi bị tay chân miệng nguy kịch

Thục Anh (T/H) 05/08/2023 - 11:35

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) vừa sử dụng kỹ thuật ECMO để cứu sống bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tổn thương tim, phổi nặng.

Ngày 5/8, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19 của nơi này vừa sử dụng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) cứu sống bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nguy kịch.

Theo bác sĩ Võ Thành Luân, Phó Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi T.N.Y. (5 tuổi, trú tại TP. Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng bị bệnh tay chân miệng độ 4 - cấp độ nặng nhất của bệnh tay chân miệng.

Người nhà cho biết, bệnh nhi có biểu hiện đau đầu, sốt cao được cho uống thuốc hạ sốt kết hợp lau mát nhưng không hạ. Ngày hôm sau, bệnh nhi vẫn sốt cao, ngủ gà, run tay chân, giật mình nhiều lần khi thức, thở mệt, da nổi bông tím toàn thân.

bac-si-benh-vien-nhi-dong-2-trao-doi-cung-nguoi-nha-benh-nhi..jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 trao đổi cùng người nhà bệnh nhi.

Khi được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến trước, bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4. Bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp và nhanh chóng chuyển đến tuyến trên.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi đã được các bác sĩ cho thở máy, truyền thuốc Immunoglobulin, sử dụng các thuốc vận mạch, trợ tim và can thiệp lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do tổn thương tim nặng (hoại tử tế bào cơ tim, men tim tăng trên 5.000 lần so với bình thường) nên bệnh nhi bị loạn nhịp phức tạp, ảnh hưởng huyết động.

Các bác sĩ đã khẩn trương xử trí sốc điện nhiều lần, truyền thuốc chống loạn nhịp và hồi sức tim phổi ngoài lồng ngực nhưng tình trạng của trẻ vẫn không cải thiện.

Hội chẩn toàn viện, các bác sĩ nhận thấy bé Y. dù tổn thương tim, phổi nặng nhưng vẫn có đáp ứng về thần kinh, nên quyết định can thiệp bằng kỹ thuật ECMO cho bé. Tại thời điểm chuẩn bị can thiệp ECMO, tim bệnh nhi suy yếu dần, nhịp tim giảm và rời rạc, huyết áp tụt liên tục. Các bác sĩ phải luân phiên hồi sức tim phổi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực đồng thời khẩn trương lắp đặt và vận hành hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.

Sau 5 ngày sử dụng ECMO, cùng với các điều trị hỗ trợ tích cực khác như: thở máy, lọc máu, vận mạch, trợ tim, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn... tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, tổn thương tim bắt đầu hồi phục, các cơ quan khác và thần kinh ổn định và được ngưng ECMO. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với EV71, tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng.

Trải qua ba tuần nhập viện và điều trị, hiện sức khỏe bé đã ổn định, thần kinh cải thiện tốt, ăn uống bình thường. Dự kiến trẻ sẽ sớm được xuất viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng ECMO cứu bé 5 tuổi bị tay chân miệng nguy kịch