Dư luận bức xúc tình trạng đưa, nhận hối lộ giữa tư nhân và cán bộ, công chức

Trọng Bằng| 21/09/2017 07:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phản ánh, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh.

Thực tế trên đã khiến các đại biểu quan tâm thảo luận Quy định mới về mở rộng phạm vi điều chỉnh với khu vực ngoài Nhà nước của Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với 2 luồng ý kiến, đó là, nên tập trung làm tốt việc phòng, chống tham nhũng đối với khu vực công, hay mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước? tại phiên họp thứ 14, UBTVQH khi cho ý kiến về dự Luật này vào chiều 20/9.

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ  trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Luật phòng, chống tham nhũng đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng bước đầu được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, việc sửa đổi bổ sung dự thảo luật phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết.

Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng được bố cục gồm 11 Chương với 131 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống tham nhũng. Dự thảo luật sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước.

Tập trung làm tốt PCTN trong khu vực Nhà nước

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và cho rằng, trên thực tế tình hình “tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước” đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực công. Bên cạnh đó, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng đặt ra yêu cầu về chống tham nhũng trong khu vực tư. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hình sự hóa một số hành vi tham nhũng trong khu vực này như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ.

Dư luận bức xúc tình trạng đưa, nhận hối lộ giữa tư nhân và cán bộ, công chức

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước (tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước) đã được Bộ luật Hình sự điều chỉnh. Trên thực tế, dư luận nhân dân đang bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Đây vẫn là các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước (người không phải cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm của hành vi tham nhũng). Vì vậy, loại ý kiến này cho rằng, hiện nay khi còn chưa làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước (là khu vực chủ yếu và quan trọng nhất trong phòng, chống tham nhũng) thì chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước. Riêng đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước thì sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Cũng liên quan đến đề nghị của Chính phủ về mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng không nên mở rộng đối tượng sang khu vực ngoài nhà nước vội, mà cần tập trung để làm cho tốt việc phòng, chống tham nhũng đối với khu vực công, đối tượng sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.

Cần nghiên cứu kỹ nếu mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước

Phát biểu tại phiên họp, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đồng thời lưu ý cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các giai đoạn và giới hạn sửa đổi luật. "Đây là chính sách lớn cần phải lưu ý, nghiên cứu kỹ nếu không có thể dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng," ông Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc mở rộng phạm vi theo hướng áp dụng với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, áp dụng bắt buộc một số chế định với một số tổ chức ngoài Nhà nước là phù họp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, nếu mở rộng thì cần tiếp tục nghiên cứu rất kỹ và đánh giá tác động về tính hiệu quả, khả thi để vừa bảo đảm thực hiện phòng chống tham nhũng trong khu vực này, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự thảo luật phòng, chống tham nhũng; đề nghị các cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc ý tưởng mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước để đảm bảo vừa tôn trọng hoạt động của kinh tế tư nhân vừa đảm bảo tính khả thi của luật.

Dư luận bức xúc tình trạng đưa, nhận hối lộ giữa tư nhân và cán bộ, công chức

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định Dự án Luật phòng, chống tội phạm là một dự án luật quan trọng, việc sửa đổi là cần thiết để khắc phục những hạn chế của luật hiện hành và xử lý những vấn đề mới phát sinh. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lượng những vấn đề mới được đưa ra trong Dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thi trong mối tương quan của hệ thống luật pháp hiện hành. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện tờ trình, hồ sơ Dự thảo luật để chuẩn bị trình ra xin ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư luận bức xúc tình trạng đưa, nhận hối lộ giữa tư nhân và cán bộ, công chức