Du lịch Vĩnh Phúc: Tiềm năng và đột phá

Phúc Vĩnh| 11/12/2019 15:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, với những chính sách thu hút đầu tư và những hành động thiết thực, Vĩnh Phúc đã và đang bứt phá mạnh mẽ đưa du lịch phát triển nhanh chóng, bền vững…

Đưa tiềm năng thành mũi nhọn

Sau hai năm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, và Chương trình hành động số 41-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, du lịch Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế về địa lý, thu được những thành công nhất định, đặc biệt là khai thác thế mạnh và tiềm năng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch kết hợp với chơi golfvà du lịch tâm linh.

Phát huy các lợi thế về địa lý kinh tế như: gần Thủ đô Hà Nội, gần các đô thị lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; lợi thế về tài nguyên du lịch mà thiên nhiên ban tặng như: Vườn Quốc gia Tam Đảo; Khu nghỉ mát Tam Đảo; quần thể danh thắng Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc; hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng; các giá trị văn hóa phi vật thể… được nhân dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch. Du lịch Vĩnh Phúc từng bước xây dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện.

Hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế thu hút một số lượng khách lớn đến với Vĩnh Phúc.

Du lịch Vĩnh Phúc: Tiềm năng và đột phá

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Vĩnh Phúc

Nếu năm 2016, du lịch Vĩnh Phúc đón 3,8 triệu lượt khách, trong đó có 27.000 lượt khách quốc tế thì dự kiến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 1,6 lần so với năm 2016; trong đó có 40.500 lượt khách quốc tế. Số ngày lưu trú bình quân khoảng 1,5 ngày.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng khách đến tham quan và du lịch trên địa bàn luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%, mang lại hiệu quả đáng kể tăng nguồn thu cho ngân sách và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương.

Cùng với đó, doanh thu du lịch cũng tăng trưởng ổn định qua các năm. Năm 2018, doanh thu du lịch đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2017; dự kiến năm 2019, doanh thu ước đạt 1.850 tỷ đồng, vượt 1,8% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Đột phá

Để ngành du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, tỉnh Vĩnh Phúc phúc đã chủ động xây dựng, nâng cấp hạ tầng du lịch song song với bảo tồn giá trị văn hóa và môi trường sinh thái. Thực hiện tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư tại địa phương. Đồng thời, thực hiện liên kết vùng để đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương.

Các cấp, ngành tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, con người Vĩnh Phúc... để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực mũi nhọn, địa bàn trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục rà soát quy hoạch để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ và sản phẩm phục vụ du lịch.

Tỉnh đã đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước... Giai đoạn 2015 - 2019, tỉnh dành 2.285 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực du lịch, trong đó, riêng đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu du lịch trên 159 tỷ đồng, chiếm 6,9% vốn đầu tư toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, dành quỹ đất cho các dự án du lịch. Hiện toàn tỉnh có 17 dự án lớn của các nhà đầu tư vào các khu, điểm du lịch.

Để phát triển du lịch tạo thành nền tảng mới cho kinh tế Vĩnh Phúc các cấp, các ngành cần đổi mới trong tư duy và hành động nhằm phát huy tiềm năng du lịch - một ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Trong đó, xác định đúng lợi thế của du lịch Vĩnh Phúc; lấy doanh nghiệp và người dân làm chủ thể để phát triển du lịch. Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách; quảng bá hình ảnh Vĩnh Phúc; thu hút đầu tư vào du lịch địa phương. Qua đó, tăng nguồn thu và tỷ trọng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) từ du lịch; góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Đặc biệt, khắc phục những hạn chế chủ quan; phát huy lợi thế sẵn có; đồng thời, tập trung phát huy dư địa (đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách) nhằm tạo nên lợi thế mới cho phát triển. Trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động cũng như tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ sở hạ tầng du lịch; làm tốt công tác truyền thông; tạo môi trường thuận lợi hút đầu tư vào du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Vĩnh Phúc: Tiềm năng và đột phá