Phóng sự - Ghi chép

Độc đáo hình tượng rồng trong sản phẩm thổ cẩm

Gia Ân-Bé Vinh 30/01/2024 - 06:21

Cũng như các dân tộc khác, biểu tượng hình con rồng luôn thể hiện sự linh thiêng, uy quyền trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái. Bằng sự khéo léo của đôi tay và trí óc, nhiều sản phẩm thổ cẩm đã được dệt với hình rồng bắt mắt, tạo nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Thái ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An.

Biểu tượng của hạnh phúc

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái là nét văn hóa lâu đời và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

anh-1.jpg
Thành viên hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến sản xuất các sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

Những hoa văn trên đồ dệt là sản phẩm của lao động thủ công. Nó mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan và vũ trụ quan của đồng bào. Các hoa văn dệt thường phản ánh nhiều mặt của văn hóa cổ truyền với nhiều hình mẫu khác nhau như: hoa văn hình mặt trời, hình các con vật như hươu, nai, chim… trong đó có hình con rồng.

Con rồng - người Thái gọi là “tô ngược” - thường được sử dụng làm hoa văn trên các tấm thổ cẩm. Trên thực tế, rồng rất quen thuộc với quan niệm tâm linh của người Thái. Mặc dù quen thuộc, hình ảnh cụ thể về linh vật này vẫn khá mơ hồ với người Thái. Con rồng chỉ tồn tại trong cổ tích, thực tế hơn một chút là cầu vồng sau cơn mưa hay hoa văn váy Thái.

Người Thái gọi cầu vồng là “rồng uống nước” và không ít người vẫn cảm thấy e sợ khi gặp hiện tượng thiên nhiên thú vị này. Người lớn hay dạy trẻ con rằng, khi thấy cầu vồng ở chân trời thì chỉ được nhìn, không được chỉ, nếu chỉ sẽ bị rồng phạt làm cho cụt tay.

anh-4.jpg
Hoa văn cổ hình con rồng trên chăn và chân váy của đồng bào dân tộc Thái.

Hình ảnh rõ ràng nhất về con rồng trong văn hóa bản địa của người Thái xứ Nghệ thể hiện rõ trên hoa văn thổ cẩm. Ở đó quy tụ những quan niệm chung về con rồng trong văn hóa Thái. Trên các tấm thổ cẩm của người Thái, con rồng hiện lên với những gam màu như: xanh, đỏ, tím, vàng và trắng.

Ông Vi Ngọc Chân - Chủ nhiệm CLB văn hóa Thái xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), một người nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái bản địa cho biết: “Hình tượng con rồng được thêu trên các tấm thổ cẩm đa phần có những chiếc gai trên lưng như gai cây xương rồng và có một hàm răng dài. Nhiều hình tượng rồng còn được thêu thêm chiếc cánh để thấy rằng rồng vừa uy lực, thiêng liêng nhưng cũng thật gần gũi và mềm mại.

anh-5.jpg
Với hoa văn tinh xảo, đẹp mắt, chất liệu từ thiên nhiên là yếu tố bắt mắt của thổ cẩm đối với du khách tham quan trong và ngoài nước.

Riêng hình tượng con rồng 2 đầu quấn chung một ruột được người Thái gọi là “tô ngược hung”, hay là rồng hạnh phúc. Vì thế, khi con gái về nhà chồng, cha mẹ sẽ trao hồi môn là những chiếc váy thêu hình con rồng 2 đầu, mong cho hai con sống hạnh phúc bên nhau”.

Sản phẩm thu hút khách

Để thêu, dệt nên hình con rồng đẹp, có linh hồn, những phụ nữ Thái phải có bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, khả năng nhìn vào hình mẫu có thể bắt được các đường nét rập khuôn và sáng tạo mang nét riêng biệt cần có. Trên các sản phẩm thổ cẩm rất ít khi là những hình trang trí đơn lẻ về một con vật, mà tùy theo kích cỡ của tấm thổ cẩm có thể thêu, dệt từ 2 con trở lên với những ước mong “con người, vạn vật sinh sôi nảy nở, đời sống ấm no, hạnh phúc”.

anh-6.jpg
Họa tiết thêu hình con rồng của làng nghề HTX Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu được lựa chọn làm họa tiết trang trí nội thất bàn, ghế ở Hội chợ triển lãm nội thất quốc tế Maison & Objet 2023 của Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Báo điện tử VOV)

Nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm thổ cẩm của làng nghề dệt Hoa Tiến đã thu hút sự chú ý của du khách khắp nơi. Nhu cầu về tính thẩm mỹ, độ tinh xảo cũng như chất lượng ở các tấm thổ cẩm của khách hàng cũng ngày càng cao. Vì vậy, khi làm ra các sản phẩm thổ cẩm, người thợ luôn phải tìm những nguyên liệu tự nhiên như bông, sợi đay, tơ tằm… và tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm màu từ các củ, lá cây thiên nhiên, dệt vải thủ công bằng khung cửi…

Từ giữa năm 2023, làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu tập đã trung làm ra các sản phẩm thổ cẩm có hình con rồng. Theo bà Sầm Thị Bích - Giám đốc HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, xã Châu Tiến cho biết: “Năm 2024 là năm con rồng và xu hướng khách hàng quan tâm hơn đến hình tượng hoa văn về linh vật này để làm các tấm trải bàn, tấm tranh treo tường, tấm thảm… Ngoài ra, nhiều nhà thiết kế thời trang về quần áo, áo dài cũng đặt hàng những tấm thổ cẩm hình con rồng để chuẩn bị ra mắt các bộ sưu tập năm mới 2024.

anh-99.jpg
Chất liệu tơ tằm là chất liệu chính để thêu, dệt các mặt hàng sản phẩm con rồng, biểu tượng linh vật năm 2024.

Từ các chất vải tơ tằm, năm 2023, HTX thổ cẩm Hoa Tiến đã tạo nên gần 700 sản phẩm, trong đó có 40% là hình con rồng. Các sản phẩm thổ cẩm như chăn, tấm tranh treo tường có giá từ 2,5-3 triệu đồng/tấm, chân váy, khăn quàng cổ có giá vài trăm đến 1,5 triệu đồng…”.

Trong năm 2023, sản phẩm họa tiết con rồng của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu được lựa chọn trang trí đệm cho bàn, ghế ở Hội chợ triển lãm nội thất quốc tế Maison & Objet 2023 của Việt Nam tại Pháp. Điều này cho thấy sự đánh giá cao về chất lượng cũng như ý nghĩa của hình tượng linh vật này.

Rồng là con vật huyền thoại, đẹp và diệu kỳ không gì so sánh được. Qua trí tưởng tượng của con người, năm Thìn cũng được xem là năm đẹp và nhiều may mắn, vì vậy trang trí tấm tranh thổ cẩm hình tượng con rồng đang được một số người am hiểu, sưu tầm thổ cẩm rất quan tâm. Nhờ nắm bắt nhu cầu thị trường và khách hàng mà các sản phẩm thổ cẩm Thái đã có chỗ đứng và vươn xa ra thế giới, tạo công ăn việc làm thời vụ cho bà con nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo hình tượng rồng trong sản phẩm thổ cẩm