Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Từ triết lý kinh doanh “không giống ai” đến khát vọng tự cường của doanh nghiệp Việt

HG| 26/08/2021 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Con đường đi đến thành công của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường không hề bằng phẳng. Trở về từ chiến tranh, ông mưu sinh bằng nghề đạp xích lô, tích lũy những đồng vốn đầu tiên nhờ việc đi giao bia. Rồi từ xuất phát điểm đó, ông bắt đầu bén duyên với ngành bia và dần dần trở thành nhà cung cấp malt bia (hạt lúa mạch nảy mầm là nguyên liệu để làm bia) hàng đầu thị trường. Dần dần, người ta quen gọi doanh nhân Nguyễn Hữu Đường với cái tên dân dã là đại gia Đường “bia”.

1eb622cc-0fcd-4883-b14a-115f5fee5ca2(1).jpeg
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường

Làm kinh doanh phải “không giống ai”

Sau này, khi Tập đoàn Hòa Bình Group của ông Đường “bia” lớn mạnh và có thêm mảng kinh doanh bất động sản, tên tuổi vị đại gia này lại “nổi như cồn” với những dự án dát vàng "từ trong ra ngoài" ở nhiều tỉnh thành. Các dự án dát vàng như khách sạn Wyndham Hanoi Golden Lake, Danang Golden Bay, hay chung cư Hòa Bình Green City tại Hà Nội thực sự là những công trình độc nhất vô nhị, thu hút rất nhiều khách du lịch.

Một trong những dự án mang tính biểu tượng của Hòa Bình là tòa Tháp quốc tế Hòa Bình. Dự án này được xây dựng từ năm 2004 – 2006 trên khu đất rộng 1.952 m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng, và là địa điểm nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC.

Nói về những công trình độc đáo của mình, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường từng chia sẻ: “Bản thân tôi không thích vàng, nhưng trong kinh doanh, tôi biết dùng vàng để thỏa mãn suy nghĩ của người khác. Vàng thể hiện sự giàu có và quyền lực. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người muốn được tận hưởng sự quyền quý, giàu sang”.

Cách dùng vàng trong các công trình lớn của mình để thỏa mãn khách hàng đã phản ánh triết lý của ông Đường “bia” trong kinh doanh. Theo vị doanh nhân này, làm kinh doanh là phải mở ra được những con đường riêng để hướng người khác đi theo mình, làm doanh nhân mà chỉ biết đi theo người khác thì rất khó thành công.

Với một doanh nhân thành công, những ý tưởng đột phá chính là yếu tố tạo nên “chất riêng” trên thương trường. Nhưng những ý tưởng táo bạo của ông Đường “bia” không phải chỉ để thể hiện chất “ngông” hay độ “hoành tráng” của ông và doanh nghiệp mà ông đứng đầu, nó luôn luôn hướng đến những mục tiêu cao hơn là lợi ích to lớn cho cộng đồng và đất nước.

Việc ông Đường ấp ủ dự định mở một Trung tâm thương mại cho người Việt Nam, nơi câu nói “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được hiện thực hóa dưới góc độ hiệu quả kinh doanh chứ không phải chỉ là lời kêu gọi vận động nặng tính hình thức, cũng xuất phát từ mục tiêu ấy.

Là một doanh nhân, ông Đường dễ dàng nhận ra quy luật tất yếu: “Ai là người nắm được hệ thống thương mại thì người đó sẽ điều tiết được sản xuất và quyết định bán hàng hóa có nguồn gốc từ đâu. Khi mà Việt Nam không nắm được hệ thống thương mại trong tay thì không thể điều tiết được hệ thống hàng hóa của mình”. Cái sống còn của một doanh nghiệp là tiêu thụ được sản phẩm, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quảng bá, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm ở đâu khi các trung tâm thương mại đều ưu tiên hàng nhập khẩu?

de2f8a07-39a7-4d81-a259-4acb47a30712.jpeg

Khởi nguồn từ những băn khoăn đó, dự án trung tâm thương mại Outlet V+ ra đời. Năm 2015, Dự án này đã từng được hiện thực hóa khi công ty Hòa Bình dành 25.000 m2 sàn tại TTTM Hòa Bình ở 505 - Minh Khai, Hà Nội, miễn phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, tiệu thụ sản phẩm của mình. Giá trị mặt bằng miễn phí từ năm 2015 đến nay là 1.253 tỷ đồng. Việc miễn phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, giá bán rẻ hơn so với các TTTM khác tới 30-35%.

Cơ hội vàng không thể chậm trễ

Bán lẻ truyền thống đang đối diện với các thách thức lớn từ lĩnh vực mua sắm trực tuyến do đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam khi thị trường đối mặt với làn sóng dịch COVID-19, doanh thu bán lẻ tại Hà Nội cũng giảm trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên dư địa phát triển lĩnh vực bán lẻ hình thức truyền thống vẫn còn rất lớn. Tại hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, các trung tâm thương mại vẫn ghi nhận số lượng lớn người tiêu dùng tới và mua sắm.

Theo số liệu từ Oxford Economics, giai đoạn từ năm 2010 đến 2020 chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong doanh số bán lẻ tại châu Á - Thái Bình Dương, cao gấp đôi so với các nước khác trên thế giới. Doanh số bán lẻ tại khu vực được dự báo sẽ tiếp tục tăng và chiếm khoảng 1/2 doanh số bán lẻ toàn cầu vào năm 2030. Sự phát triển quá nhanh cũng khiến nguồn cung bán lẻ trong khu vực tương đối thiếu so với nhu cầu thực tế. Tổng quan thị trường 6 tháng đầu năm 2021 từ nguồn của Savills Việt Nam cho thấy vì không có nguồn cung mới, tổng nguồn cung bất động sản bán lẻ tại Hà Nội trong quý 2 năm 2021 ghi nhận đạt khoảng 1,6 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. Khu vực các quận nội thành với thị phần 42% có mật độ bán lẻ cao nhất là 0.48 m2/người. Đây không phải là con số ấn tượng nếu so với các thành phố lớn trong khu vực như Kuala Lumpur, Bangkok hay Singapore.

Trong khi đó, các trung tâm thương mại trong tương lai sẽ dần chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam khi các đô thị lớn ngày càng phát triển. Đây không còn chỉ là nơi để mua sắm mà sẽ trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt đối với các gia đình thành thị sống trong những căn hộ diện tích nhỏ và không có không gian lẫn tiện nghi vui chơi giải trí.

Để đón đầu xu thế, các mặt bằng trung tâm thương mại cho thuê cần đa dạng hóa để có thể tồn tại và phát triển. Các giải pháp về phát triển trung tâm thương mại sẽ khác nhau phụ thuộc vào vị trí, mô hình và quy mô. Các nhà đầu tư trung tâm thương mại cần nghiên cứu theo hướng đây không chỉ là trung tâm bán lẻ, mà phải là một trung tâm tiêu dùng và “hưởng thụ” đúng nghĩa.

Tất cả những yếu tố đó đều có ở Trung tâm thương mại, Outlet V+. Khi hoàn thành, dự án sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại, đáp ứng hơn 10.000 gian hàng; hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5 ha dành riêng cho khu làng nghề; 1 ha dành cho khu vực lễ hội; 2,5 ha là khu các cảnh quan - di tích nổi tiếng thế giới dát vàng … có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày.

Dự án khi đi vào hoạt động dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà Hà Nội thu được khoảng 50 tỷ đồng/ngày (36.000 tỷ đồng/năm), tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm. Hàng ngàn thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là đối tác cung cấp hàng tại đây. Không chỉ tạo ra một hệ sinh thái khổng lồ cho các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất; Trung tâm thương mại Outlet V+ sẽ thu hút hàng triệu khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, mua sắm, đồng thời cũng sẽ đón dòng người Việt đổ tới vừa mua sắm, vừa du lịch.

Nói về dự án này, ông Nguyễn Hữu Đường kỳ vọng: “Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ tạo lực đẩy mới, giúp các doanh nghiệp Việt có động lực cạnh tranh, giành lại thị phần từ các đối thủ nước ngoài; đồng thời phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường. Tôi mong muốn xây dựng hệ thống trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng cho các doanh nghiệp trong nước có chỗ tiêu thụ, bán sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, tự chủ và điều tiết được kênh phân phối, không để phụ thuộc vào bất cứ nước nào”.

Đánh giá về dự án của Hòa Bình Group, trong văn bản gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: “Đây là mô hình có nhiều hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, dịch vụ thương mại, khoa học công nghệ và thị trường. Các doanh nghiệp tham gia vào trung tâm thương mại chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trong việc hình thành các chuỗi giá trị mới của Việt Nam, chứa đựng nhiều yếu tố tự lực tự cường”. Hiệp hội cũng cho rằng đề án có tính khả thi cao, nếu được triển khai sẽ tác động tích cực lên nhiều mặt của hoạt động doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thực hiện thành công nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước như phát triển kinh tế tư nhân, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Mặc dù ý tưởng có tính khả thi cao, chứng minh được độ hiệu quả và quan trọng hơn nữa là hoàn toàn do doanh nghiệp tự bỏ vốn song đến nay, dự án vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Sau gần 1 năm đề xuất nghiên cứu thực hiện dự án của Công ty TNHH Hòa Bình, mọi thứ vẫn chưa được UBND TP Hà Nội trả lời dứt khoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Từ triết lý kinh doanh “không giống ai” đến khát vọng tự cường của doanh nghiệp Việt