Các doanh nghiệp ngành gỗ hiện đã có đơn hàng đến hết quý 3/2022 thậm chí đến cuối năm nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trước tình hình của thị trường.
Đối diện nhiều khó khăn
Nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… mà ngành chế biến gỗ Việt Nam đã thuận lợi đưa đơn hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác.
Cụ thể, mặt hàng nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào các thị trường CPTPP đều tăng mạnh, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang khối thị trường này còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, vì trong hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gia tăng công suất để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký đến hết quý 2/2022.
Mặc dù ngành gỗ đang trên đà thuận lợi về đơn hàng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đang phải đau đầu vì nhiều chi phí phát sinh kể từ thời điểm cả nước gỡ bỏ phong tỏa cho đến nay. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cao, dù 70% nguyên liệu của ngành gỗ nội thất Việt Nam là nội địa.
Để không bị thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu, kịp thời sản xuất các đơn hàng trong các tháng tới, các nhà sản xuất đang phải nỗ lực tìm kiếm từ nhiều thị trường khác.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (Bình Dương), doanh nghiệp có thể tìm nguồn từ các thị trường Đông Âu khác hoặc khu vực lân cận nhưng phải chấp nhận giá cao. Các doanh nghiệp cũng có thể nhập gỗ nguyên liệu từ Mỹ, châu Âu để thay thế lượng thiếu hụt trên, song phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, năm ngoái, phí vận chuyển gỗ từ Mỹ về Việt Nam khoảng 3.000 - 4.000 USD/container thì nay tăng lên 18.000 - 20.000 USD/container.
Hai chi phí khác là giá nhân công và logistics cũng tăng. Trong đó, giá logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn leo thang do khủng hoảng Ukraine. Thông thường, giá trị một container nội thất bán FOB (giao hàng lên tàu) của Việt Nam xuất đi khoảng 10.000 -15.000 USD.
Tuy nhiên, giá vận chuyển đã gần hoặc đôi khi cao hơn giá hàng. Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000 -8.000 USD, đi Mỹ tầm 10.000 -12.000 USD. So với cách đây một năm, giá vận chuyển đã tăng khoảng 30%.
Các doanh nghiệp cho rằng, điều này ảnh hưởng đến chi phí nhà nhập khẩu khiến họ đắn đo hơn khi nhập hàng, làm hạn chế sức mua. Với những đơn đã đặt, một số nhà thu mua hoãn nhập, chờ có container rẻ hơn.
Cần sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa từ Chính phủ
Theo các chuyên gia, để chủ động sản xuất, nguồn nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng, nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mới đây kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn.
Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Đồng thời cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao có tiềm năng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các hộ.
Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), Bộ Công Thương, để tạo thêm động lực tăng trưởng cho ngành, Cục Xúc tiến thương mại cần phối hợp với các tổ chức, hiệp hội… triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, mang đến cơ hội tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn cung lẫn dịch vụ cho doanh nghiệp trên địa bàn cả nước.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định, thời gian tới, ngành gỗ cần được quan tâm hơn nữa từ phía Chính phủ nhằm tạo sức đẩy để phát triển mạnh hơn. Hiện trình độ công nhân ngành gỗ còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu. Do đó, cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới.