Ngành gỗ bứt phá ngoạn mục, vượt đại dịch COVID-19

Trang Nhi| 20/12/2021 09:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đã vượt xa mục tiêu đặt ra nhờ đổi mới, sáng tạo từ phương án sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong chuyển đổi số.

Sáng tạo, đổi mới trong các khâu sản xuất, hợp tác

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trị giá xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản năm 2021 ước đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2020. Con số này vượt đáng kể so với kế hoạch xuất khẩu 14 tỷ USD đặt ra từ đầu năm. Cả năm 2021, toàn ngành xuất siêu cao, ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2020.

Kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt xa mục tiêu đặt ra, một trong những nguyên nhân đáng chú ý là sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm khi Chính phủ chuyển từ chiến lược “Zero COVID-19” sang “sống chung” với dịch. Cùng với đó là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, vượt khó hướng tới phát triển bền vững.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang tích cực, chủ động để thích ứng và đón các cơ hội lớn và chủ động tìm kiếm phương án để thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm.

1.jpg

Để vượt “bão” COVID-19, nhiều doanh nghiệp gỗ đã sáng tạo, đổi mới trong các khâu sản xuất.

Đồng thời, áp dụng chủ động các phương án sản xuất tối ưu như tinh giản bộ máy, giảm chi phí cố định; đầu tư máy móc, giảm phụ thuộc vào lao động, có chính sách tốt để thu hút người lao động.

Trải qua giai đoạn khó khăn chống dịch vừa qua, bản thân các doanh nghiệp ngành gỗ đã tự đúc rút cho bản thân nhiều kinh nghiệm để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong thời gian tới.

Để đạt được các mục tiêu sản xuất và phòng chống dịch, do năng lực sản xuất chưa trở lại được bình thường hậu giãn cách nên Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam tập trung vào các doanh nghiệp truyền thống đã có mối quan hệ hợp tác trong nhiều năm qua. Về cơ cấu chủng loại sản phẩm, công ty tập trung vào dòng sản phẩm cao nhưng tốn ít nguyên liệu. Về nguyên liệu đầu vào, công ty đang mua trữ các loại vật tư để sản xuất trong thời gian dài, hỗ trợ khách hàng về tài chính và đặt hàng sớm nguyên liệu.

Còn tại Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico), về nguồn nguyên liệu, hiện nay, các nguồn cung cấp trong nước và nhập khẩu đều gặp khó khăn. Do vậy, để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty tập trung và thỏa thuận để mua được rừng lớn có giá ổn định từ bây giờ. Đến khâu sau chỉ cần việc khai thác đưa về. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản, phải có lượng tài chính lớn.

Do đó, để làm được điều này, ông Võ Quang Hà - Tổng Giám đốc công ty đề xuất các doanh nghiệp có thể cùng ngồi lại với nhau để xây dựng kế hoạch mua nguyên liệu chủ động, đồng thời, điều này rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp, hoặc có thể nghĩ đến quỹ tín dụng đặc biệt với một mức lãi suất hợp lý, để làm sao các doanh nghiệp có thể mua được khối lượng gỗ lớn và mức giá được ổn định.

Ngành gỗ đang quay trở lại guồng sản xuất trong điều kiện mới, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngành chế biến gỗ đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hình thức bán hàng, đặc biệt là hình thức online. Chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phục hồi sản xuất để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

Tìm hướng đi mới thông qua chuyển đổi số

Dịch COVID-19 là động lực và bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi, trong đó các doanh nghiệp ngành gỗ là nhóm sản xuất nỗ lực rất lớn. Các doanh nghiệp gỗ sẽ phải tìm hướng đi mới, đó là buộc các DN phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất, đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt.

Sản xuất và kinh doanh gỗ có không ít thử thách về công nghệ, nguyên vật liệu, đòi hỏi kiểm soát đồng bộ hóa cao. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp đã có những mô hình chuyển đổi số mang lại hiệu quả thời gian vừa qua như Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, Công ty TNHH Scansia Pacific…

Ngoài ra, dù các doanh nghiệp ngành gỗ đã có sự bứt tốc ngoạn mục nhưng dịch bệnh được dự báo vẫn phức tạp, để vượt qua và phát triển mạnh hơn, doanh nghiệp ngành gỗ vẫn cần nhiều giải pháp và trợ lực.

Thứ nhất là tập trung tháo gỡ ngay về chính sách cho 4.600 doanh nghiệp. Các nhóm chính sách đó bao gồm tín dụng, an sinh, tài chính. Tất cả những nhóm chính sách này các ngành phải đồng bộ tháo gỡ để tạo điều kiện ngay lập tức cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất.

2.jpg

Hiện các doanh nghiệp đang tìm hướng đi mới trong chuyển đổi số.

Thứ hai, cần tập trung khai thác “khe hở” các thị trường. Trước tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, thị trường nào, quốc gia nào khống chế được dịch thì cần phải tập trung khai thác được ngay thị trường đó. Có như vậy mới tạo ra cục diện chung tổng thị trường phù hợp tình hình diễn biến khống chế dịch.

Thứ ba, tất cả hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất, sẵn sàng bùng nổ trong năm tới.

Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng theo hướng hiện đại bền vững bằng cả ba trụ cột: Vùng nguyên liệu phải tổ chức lại chiến lược phát triển bền vững đủ sức cung ứng nguyên liệu, đa dạng hóa ngành và đưa ra những giá trị cho những phân khúc của các đối tượng tham gia khu vực nguyên liệu.

Về khu vực chế biến, hình thành được những tập đoàn lớn, khu công nghiệp lớn mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu, đủ năng lực về công nghệ, tầm quản trị, sản phẩm, thương hiệu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, rà soát lại, củng cố phát triển hình thức thương mại hiện đại, bao gồm các thiết chế cứng như hội chợ, trung tâm, triển lãm, chợ đầu mối... và thiết chế mềm ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin để thương mại online cùng với xây dựng thương hiệu.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành gỗ bứt phá ngoạn mục, vượt đại dịch COVID-19