Doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng cao

Trang Nhi| 20/04/2022 14:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 13 doanh nghiệp dệt may trên sàn đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2022, có 9 doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao.

Dù còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn nhưng nhóm ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khả quan dựa vào kết quả tích cực trong năm 2021.

Dẫn đầu là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) với kế hoạch đem về 4,183 tỷ đồng doanh thu và 253.8 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 76% so với năm trước.

dn-det-may.jpg
Doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng cao

TCM cho biết so với năm 2021, năm 2022 được dự báo là một năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và TCM nói riêng. Thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm nhờ vào việc tiêm vaccine đầy đủ.

Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế năm 2022 lần lượt đạt 6,500 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, tăng 8% và 50% so với năm trước.

Theo VGG, đối với thị trường nội địa, Công ty sẽ xây dựng phương án hoạt động của hệ thống kênh phân phối để phù hợp hình thức kinh doanh, bán sản phẩm trong tình hình mới, mục tiêu giải phóng nhanh hàng tồn kho. 

Với thị trường xuất khẩu, VGG sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đủ nguồn hàng sản xuất cho các đơn vị thành viên trong toàn hệ thống, tập trung sản xuất những đơn hàng đã được ký kết với các khách hàng bị lùi tiến độ do dịch bệnh phải ngừng sản xuất…

Hay như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng đặt kế hoạch lãi sau thuế tăng 20%, lên mức 279 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu dự kiến cũng tăng 10%, đạt 5,990 tỷ đồng.

Chuyên về sợi, Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) lên kế hoạch đem về gần 2,606 tỷ đồng tổng doanh thu và hơn 300 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, lần lượt tăng 28% và 8% so với năm trước. Đây cũng là con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của đơn vị.

Về tác động của hiệp định EVFTA đối với thị trường sợi trong nước, ông Hòa cho hay, gần đây có một số khách hàng tiếp cận với STK để tìm hiểu mua sợi nhằm phục vụ hàng xuất khẩu sang EU. EVFTA có hiệu lực, một trong các điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu hàng may mặc và vải phải sản xuất trong nước. Để đạt tiêu chí xuất xứ ở Việt Nam thì vải phải đạt hàm lượng giá trị sản xuất trong nước nên các nhà sản xuất vải phải mua sợi tại Việt Nam.

Theo Báo cáo chiến lược tháng 4/2022, Mirae Asset dự báo ngành dệt may sẽ đón nhận được tín hiệu tích cực trong năm 2022. Các FTA (CPTPP, EVFTA và RCEP) sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam thông qua các cam kết ưu đãi thuế quan và các quy định về nguồn gốc xuất xứ.

Trong năm 2022, Mirae Asset kỳ vọng nhu cầu hàng may mặc ở các thị trường chính sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường. Đồng thời, nhu cầu sợi nguyên liệu cho ngành dệt may Trung Quốc phục hồi là động lực lớn nhất hỗ trợ xuất khẩu sợi Việt Nam khi tỷ trọng thị trường Trung Quốc đạt trung bình hơn 50% trong tổng cơ cấu xuất khẩu sợi của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng cao