Sau khi bị thực dân pháp bắn phá, tới nay đình Háng Pài vẫn chưa được phục dựng lại, người dân chỉ dựng tạm gian thờ nhỏ để hương khói. Để xứng tầm là địa chỉ đỏ cần gìn giữ, bảo tồn, mới đây UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao UBND huyện Cao Lộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, cân đối ngân sách để có biện pháp phục dựng.
Tín ngưỡng dân gian
Có gặp gỡ người dân tại thôn Còn Pheo mới thấy được sự quan trọng của ngôi đình Háng Pài đối với họ. Bởi vì từ khi sinh ra và lớn lên, đình là văn hóa tín ngưỡng, là “hồn cốt” trong mỗi người dân nơi đây.
Buổi chiều của một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp ghé thăm Khu di tích lịch sử đình Háng Pài. Đứng dưới tán lá của những gốc đa có niên đại lên tới vài trăm năm tuổi, chúng tôi mới thấy được sự mong muốn của người dân về việc phục dựng lại ngôi đình Háng Pài là hoàn toàn ý nghĩa.
Tìm gặp những chứng nhân của lịch sử còn sót lại, chúng tôi được trò chuyện với bà Triệu Thị Lạng, người sinh ra và lớn lên cạnh ngôi đình Háng Pài, cũng là người chứng kiến những đổ vỡ của ngôi đình theo thời khắc của từng giai đoạn lịch sử.
Bà Lạng kể: “Từ năm 1940 tôi sinh ra thì nhà tôi đã ở gần đình nên thủa nhỏ tôi cùng các bạn thường hay ra đình vui chơi. Khi đó xung quanh chưa có nhiều nhà cửa, còn chưa có đường lớn, chỉ có con đường đất nhỏ để đi vào đình. Lúc bấy giờ, tại sân đình đã có 2 cây đa to che bóng mát, nên vào những ngày hè chúng tôi còn ra đây để vui đùa. Cổng đình được tạo thành vòm từ hình của 2 con rồng nhìn rất đẹp.
Sau những năm 1950, tôi đi học ở ngoài trường Việt Bắc nên không về đó nhiều. Cho tới năm 1980, tôi mới trở lại Háng Pài để dạy học, rồi công tác ở trường PTCS Thụy Hùng, cho tới khi nghỉ hưu, đến giờ tôi vẫn ở lại đây”.
Cũng theo bà Lạng thì từ khi ngôi đình bị phá, người dân rất xót xa. Vào những ngày lễ, Tết, hay mùng 1, ngày Rằm mọi người vẫn ra thắp hương ở dưới gốc cây đa để thỏa mãn mong muốn tâm linh, cũng là để lưu giữ việc thờ tự Thành hoàng làng như khi ngôi đình vẫn còn.
Ngay cả bây giờ, nhà ai có việc như cưới hỏi, ma chay cũng vẫn ra thắp hương dưới gốc cây đa như để báo cáo với Thành hoàng. Thậm chí có những đám cưới làng khác, họ đi qua khu đình cũng ghé vào thắp hương ở đó.
Cho tới thời gian gần đây, khi có thợ về ở nhờ để làm công trình trong làng, người dân mới nhờ họ xây tạm cho cái gian nhỏ hiện tại, rồi để mấy bát hương vào đó cho đỡ mưa nắng.
Là người đã lớn lên và có những tuổi thơ bên ngôi đình Háng Pài xưa, hơn ai hết bà Triệu Thị Lạng rất mong có ngày ngôi đình được phục dựng lại. Cũng chẳng phải chỉ có bà Lạng, mà người dân nơi đây đều mong như vậy. Bởi với họ, từ xa xưa đình đã là biểu tượng của tín ngưỡng, của văn hóa.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng
Để hiểu thêm về những giá trị sâu sắc của ngôi đình Háng Pài, PV Báo Công lý đã có buổi trò chuyện cùng với Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn (nguyên Giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Lạng Sơn).
Ông Páo cho biết, theo tư liệu lịch sử và bản thân ông cũng nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc, văn hóa vùng miền những địa phương phía Bắc thì thấy rằng: Đình làng với người dân không chỉ là chốn tâm linh, thờ cúng Thành hoàng, mà đình còn là nhà văn hóa, nơi để người dân họp bàn về những việc quan trọng của làng.
Đình Háng Pài cũng không ngoại lệ. Từ xa xưa, người dân địa phương cũng coi đây là một nhà văn hóa để bàn việc, thống nhất những quyết sách trong làng.
Không những vậy, đình Háng Pài còn là nơi thờ Thành hoàng làng, mà “Thành hoàng là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng”. Với quan niệm, tín ngưỡng đó, nên đình có thể coi là một trong những nơi thỏa mãn đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Cũng không phải tự nhiên mà đồng chí Hoàng Văn Thụ lại lựa chọn đình Háng Pài làm nơi họp mặt rồi thành lập lên Chi bộ Đảng đầu tiên như vậy. Bởi vì thời điểm đó, chỉ có những ngày đã quy định thì người dân mới được sinh hoạt tập thể ngoài đình làng. Những ngày đó, Quan sai thời phong kiến cũng không thể tới để ngăn cấm người dân họp mặt, nên đây là thời điểm quan trọng, thích hợp nhất để kết nạp đảng viên và thành lập lên Chi bộ đầu tiên.
Tiến sỹ Páo cũng cho biết thêm, việc phục dựng lại ngôi đình Háng Pài là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Chẳng những thỏa mãn được văn hóa tâm linh của người dân địa phương, mà đây còn là lòng tự hào của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh Lạng Sơn, để ghi nhớ về điểm xuất phát đầu tiên của Đảng bộ tỉnh.
Để xứng tầm là địa chỉ đỏ cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và đặc biệt là những lớp thế hệ trẻ kế cận.
Nhận thấy việc đầu tư xây dựng nhà lưu niệm, đình Háng Pài là vô cùng cần thiết và ý nghĩa, sau khi xem xét những Báo cáo của UBND huyện Cao Lộc, cùng kiến nghị của các đơn vị tham mưu có liên quan, mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có chỉ đạo và giao UBND huyện Cao Lộc làm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, lựa chọn những hạng mục thực sự cấp thiết để tu sửa đình Háng Pài, cùng các công trình khác phục vụ cho di tích.
Kinh phí thực hiện bằng nguồn vốn của huyện được giao và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong trường hợp không tự cân đối được thì UBND huyện Cao Lộc phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan, lập đề xuất các dự án bảo đảm giải quyết căn cơ, tổng thể cho cả khu di tích và những hạng mục có liên quan. Để kịp thời chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933 – 15/6/2023).
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của chính quyền UBND tỉnh Lạng Sơn và UBND huyện Cao Lộc, đình Háng Pài sẽ sớm được trùng tu, phục dựng, xứng tầm với vai trò, giá trị lịch sử vốn có.