Âm nhạc - Phim

Điện ảnh Việt phục hồi, bùng nổ nhanh tại châu Á

Minh Anh 29/02/2024 - 07:28

Tết Nguyên đán 2024 đã đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ phục hồi mạnh mẽ bởi các dự án của tư nhân sản xuất, mà với sự thành công của 'Đào, phở và piano' đã khiến Việt Nam là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhất châu Á.

Trang tin Deadline (Mỹ) nhận định, Việt Nam đang là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhất châu Á. Trang tin này đã đưa ra những số liệu riêng cho thấy, doanh thu phòng vé Việt Nam tăng trưởng ổn định 10% hàng năm trước đại dịch, vượt Thái Lan - quốc gia có ngành điện ảnh phát triển và lâu đời hơn nhiều.

"Cách để Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhất châu Á với các cụm rạp chiếu phim mới, lượng khán giả khát khao phim ảnh và ngành điện ảnh trong nước năng động" là tên bài viết gây chú ý của tác giả Liz Shackleton trên Deadline.

phim-tet.jpg
Dàn diễn viên phim Mai của Trấn Thành giao lưu với khán giả dịp Tết.

Tết Nguyên đán là giai đoạn quan trọng đối với các rạp chiếu phim tại một số vùng lãnh thổ châu Á. Tuy nhiên, theo đánh giá của Deadline, không nơi nào lại cạnh tranh gay gắt hơn ở Việt Nam trong năm nay.

Và chính thị trường phim chiếu Tết - hội tụ phần rất lớn doanh thu điện ảnh Việt trong năm đã góp phần tạo nên thành tích "đạo diễn nghìn tỉ đầu tiên của Việt Nam" cho Trấn Thành.

Chỉ với ba phim chiếu Tết đều đang có doanh thu trên 400 tỉ đồng là Bố già, Nhà bà Nữ và Mai, Trấn Thành không chỉ vượt doanh thu của chính mình mà còn từng bước đưa phim Việt ra quốc tế... Đặc biệt, sau hơn một tuần công chiếu, phim Mai đã vào top 15 phim ăn khách nhất thế giới năm 2024 (tính đến tháng 2).

phimw.jpg
"Cu li never cries" (tạm dịch: "Cu li không bao giờ khóc") được đạo diễn bởi Phạm Ngọc Lân đã làm nên kỳ tích tại LHP Berlin 2024.

Lịch chiếu dày đặc phản ánh Việt Nam là một thị trường điện ảnh sôi động và có sự phục hồi xuất sắc sau đại dịch. Theo một số đánh giá, sự phục hồi ở Việt Nam có mức tăng nhanh thứ hai châu Á, sau Ấn Độ.

Ngoài ra, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam cũng được đánh giá là trẻ và tràn đầy năng động. Lấy ví dụ cho điều này, Deadline nhắc tới phim kinh dị Quỷ Cẩu do Lưu Thành Luân lần đầu làm đạo diễn đã thu về hơn 108 tỷ đồng, lập kỷ lục về phim kinh dị nội địa ở Việt Nam.

Về cơ bản, thị trường điện ảnh Việt được đánh giá có mức tăng trưởng "bất thường". Doanh thu phòng vé tăng trưởng ổn định 10% hàng năm trước đại dịch, vượt qua Thái Lan - quốc gia có ngành điện ảnh phát triển hơn và lâu đời hơn rất nhiều.

Năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD, tương đương 90% mức trước đại dịch từ tổng số 1.100 rạp phim. Đây là con số không tệ đối với một thị trường mà năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hàng năm dưới 15 triệu USD.

Theo Deadline, sự tăng trưởng này đến từ nhiều yếu tố, một trong số những yếu tố lớn nhất là các hệ thống từ các rạp chiếu CJ CGV và Lotte Cinema cũng như Galaxy Cinema, BHD Star Cineplex.

Gần đây, Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện của chuỗi rạp chiếu mới như Beta Cinemas và Cinestar, cung cấp giá vé thấp hơn dành cho sinh viên và khán giả thu nhập trung bình. Ngoài ra, ngành sản xuất địa phương cũng sôi động hơn khi thử nghiệm ở nhiều thể loại mới với nhiều phim hơn.

Khán giả trẻ cũng được coi là những người quyết đinh thị hiếu của thị trường. Đây cũng là đối tượng khán giả khó tính. Họ rất tích cực trên các nền tảng mạng xã hội và sẽ lập tức phản ứng nếu như chất lượng của bộ phim không tốt.

Tín hiệu đáng mừng ở Việt Nam là khán giả có vẻ thích phim nước nhà hơn phim điện ảnh Hollywood khi chỉ có hai tựa phim của Mỹ lọt vào top 10 trong năm 2023, 6 tựa phim của Việt Nam lọt vào BXH.

Kết quả này phản ánh xu hướng hậu đại dịch, khi mà nguồn cung cấp phim mới của các hãng phim Mỹ chậm lại do ảnh hưởng từ COVID-19 cùng cuộc đình công kép. Hơn nữa, khán giả gen Z đang đòi hỏi những nội dung phù hợp hơn về mặt văn hoá đối với họ.

gap-lai-chi-bau-poster-17060768984801928736287.jpg
Sự phục hồi nhanh chóng tại các phòng vé ở Việt Nam khiến các chuyên gia quốc tế vô cùng bất ngờ.

Deadline cũng nhận xét ngành điện ảnh Việt Nam không thiếu tham vọng, tuy nhiên, vấn đề là ngành này vẫn đang trong giai đoạn đầu.

Do đó, các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng sau đại dịch và nguồn nhân lực không đủ lớn để đáp ứng, thoả mãn nhu cầu của khán giả. Nhìn về lâu dài, những người trong ngành vẫn có một cái nhìn tích cực, hướng tới tương lai không xa ngành điện ảnh Việt Nam sẽ đạt mốc doanh thu 200 triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh Việt phục hồi, bùng nổ nhanh tại châu Á