Giai đoạn điện ảnh cách mạng Việt Nam (dòng phim bao cấp) kéo dài khoảng 4 thập niên từ năm 1959 đã có những tác phẩm lớn về chiến tranh, con người Việt Nam. Những bộ phim đã thoát khỏi khuôn mẫu của những bộ phim tuyên truyền anh hùng ca để xây dựng những biểu tượng, những câu chuyện, những thân phận con người mang tính Việt Nam đậm nét.
Kho tàng từ những nguồn cảm hứng bất tận
Phản ánh hiện thực khách quan luôn là tiêu chí đầu tiên cho một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Đầu thế kỷ XX, điện ảnh đã được du nhập vào Việt Nam nhưng nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam chỉ được khai sinh vào ngày 15/3/1953 tại Chiến khu Việt Bắc (ATK), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”.
Ra đời và trưởng thành từ bom đạn của hai cuộc chiến tranh, điện ảnh Việt Nam từng được mệnh danh là "nền điện ảnh chiến tranh" bởi chiến tranh trở thành đề tài chủ đạo, thành cảm hứng xuyên suốt của các nhà làm phim. Thực tế cho thấy, nhiều bộ phim có giá trị nhất, được coi là kinh điển của điện ảnh Việt Nam là phim về đề tài chiến tranh Cách mạng.
Từ khi ra đời đến cuối những năm 1950, nền điện ảnh Cách mạng non trẻ đã bám sát hiện thực cuộc chiến tranh của dân tộc bằng những thước phim tài liệu phản ánh mọi mặt của cuộc chiến trên khắp mọi miền tổ quốc.
Những bộ phim kinh điển này đã vượt thoát khỏi khuôn mẫu của những bộ phim tuyên truyền anh hùng ca để xây dựng những biểu tượng, những câu chuyện, những thân phận con người mang tính Việt Nam đậm nét.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của đạo diễn Hải Ninh, Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến, Bao giờ cho đến tháng Mười của Đặng Nhật Minh, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai của Trần Văn Thủy hay gần hơn như Đời cát của Nguyễn Thanh Vân, Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên... có thể được coi là những bộ phim lớn (cả phim truyện lẫn tài liệu) về đề tài chiến tranh Việt Nam và thân phận người Việt trong thời chiến hoặc hậu chiến.
Những bộ phim này từng ra thế giới, tham dự nhiều LHP quốc tế lớn và đoạt một số giải thưởng quan trọng. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm mang lại cho NSND Trà Giang giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP quốc tế Moscow năm 1973. Cánh đồng hoang mang về cho Việt Nam hai giải thưởng lớn là Phim hay nhất (Golden Prize) và giải của Hiệp hội Phê bình quốc tế (FIPRESCI Prize) tại LHP Moscow năm 1980.
Bao giờ cho đến tháng Mười thắng giải đặc biệt của Ban giám khảo tại LHP quốc tế Hawaii năm 1985 và năm 2008 được kênh CNN bình chọn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất của thế kỷ 20.
Hơn hết, những bộ phim nói trên hoàn toàn có thể đại diện cho những chủ đề mang tính dân tộc và con người Việt Nam trong điện ảnh. Rất nhiều chi tiết đặc sắc trong những bộ phim kinh điển đã khiến giới phê bình, báo chí quốc tế đánh giá cao và thừa nhận "chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam".
Những luồng gió mới
Từng là dòng phim chủ đạo, giữ vai trò quan trọng làm nên diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam ở nhiều giai đoạn, nhưng thời gian gần đây, phim về người lính và chiến tranh cách mạng dần trở nên thưa vắng hơn.
Các hãng phim tư nhân vốn không mặn mà với đề tài này vì làm phim tốn kém lại kén khán giả. Với những đạo diễn trẻ thì rõ ràng, làm phim về chiến tranh cách mạng là một thử thách lớn.
Cái khó trong việc làm phim về chiến tranh cách mạng, phim về người lính là kể chuyện xưa nhưng phải có hơi thở hôm nay, tiếp cận và kết nối được với vấn đề thời đại. Và quan trọng nhất, phải là một bộ phim hay, chạm được vào trái tim khán giả.
Trong đó, “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn) đã đi tiên phong trong làn gió mới này. Phim không chỉ mang đến thành công về mặt nghệ thuật, mà còn là bước đột phá trong doanh thu của dòng phim "kén khán giả" này.
Những kiến thức lịch sử về trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ được thể hiện một cách mềm mại, tinh tế.
"Đào, phở và piano" là ba sự vật hiếm khi được liên tưởng đặt chung một chỗ, nhưng đều là những thứ đặc trưng, tinh túy của Hà Nội xưa. Bên cạnh đó là đan xen những câu chuyện tình cảm lãng mạn đầy chất thơ, nhưng sẵn sàng tạm gác lại vì đất nước, để rồi gặp lại nhau vào ngày hòa bình.
Sự lãng mạn và tình yêu của họ vượt lên trên hoàn cảnh ngặt nghèo, giúp họ bước qua nỗi sợ khi cái chết đang ập tới. Trong vỏn vẹn 24 giờ ấy, phim thể hiện rõ hai mảng không gian - thời gian trái ngược, trước và sau khi quân Pháp tiến đánh Thủ đô.
Những con phố như Hàng Bún, Yên Ninh trước kia tấp nập người mua bán, sau trận bom trở nên xơ xác, tiêu điều. Màu sắc sáng - tối, tiết tấu nhanh - chậm của mỗi cảnh phim ở hiện tại, quá khứ đều thể hiện ý đồ tạo sự đối lập của đạo diễn.
Như vậy, có thể nói, phim về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến trong đó hình ảnh người lính là nhân vật xuyên suốt vẫn là một dòng chảy bền bỉ trong đời sống điện ảnh Việt Nam. Tùy từng thời điểm lịch sử, có khi mạnh mẽ, sôi động, có khi trầm lắng, nhưng chưa khi nào vắng bóng. Mỗi năm, chúng ta đều có đại diện của dòng phim này.
Việc phát triển các tác phẩm này nhằm tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ.