Di sản văn hóa tỉnh Bắc Giang

Hạ Nhiên| 06/09/2022 22:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lâu nay khi nhắc về Bắc Giang, chúng ta thường nghĩ tới những trái vải thiều (Lục Ngạn) ngọt ngào. Bắc Giang ngày nay vẫn còn giữ gìn một bề dày di sản văn hóa xứ Kinh Bắc xưa kia. Một số di sản có thể kể đến như: Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội chùa Bổ Đà, lễ hội chiến thắng Xương Giang, lễ hội Yên Thế, lễ hội đền Suối Mỡ, nghệ thuật Ca trù, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Quan họ…

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14/02 Âm lịch hàng năm, là dịp để các tăng ni Phật tử và nhân dân trong vùng tưởng nhớ công lao của các vị sư tổ đã tôn dựng lên công trình kiến trúc văn hóa và tâm linh. Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, được xây dựng từ thời nhà Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ XIII ( thời Trần). Chùa thờ Phật và Tam tổ Trúc Lâm: Vua Trần Nhân Tông, pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng; thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang. Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử- Văn hóa cấp quốc gia năm 1964, Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.

Lễ hội chùa Bổ Đà được tổ chức vào ngày 17-18/02 Âm lịch hàng năm, là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Chùa Bổ Đà thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên; là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang, vốn thuộc dòng Thiền Lâm Tế, sau thuộc Thiền phái Trúc Lâm hay Tam Tổ Trúc Lâm. Chùa được xây dựng vào thời Lê- Nguyễn. Chùa Bổ Đà là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bộ mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia. Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ được thực hiện với thái độ thành kính, còn diễn ra phần hội với những canh hát quan họ đằm thắm của các liền anh liền chị ngay tại sân chùa và những trò chơi dân gian như: Đấu vật, chọi gà, cướp cầu, đu… làm cho không khí ngày hội thêm sống động.

Lễ hội chiến thắng Xương Giang được tổ chức lần đầu vào năm 1998 và được duy trì liên tục cho đến nay. Lễ hội được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt, chống lại và đập tan gần 10 vạn quân Minh; xóa bỏ 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh ở nước ta và mở ra những trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước vinh quang của dân tộc. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 06- 07 tháng Giêng tại khu vực tượng đài phường Xương Giang- vốn là nền thành Xương Giang xưa.

1(3).jpg

Một góc rêu phong trong khuôn viên chùa Bổ Đà

Lễ hội Yên Thế diễn ra vào ngày 16/03 dương lịch hàng năm (do ngày 16/03/1984 diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức tại đồn Phồn Xương, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế). Lễ hội được bắt đầu bằng bài diễn văn khai hội nói về ý nghĩa của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế và khẳng định tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa. Tiếp sau là lễ diễu hành, các trò diễn, vai diễn Hoàng Hoa Thám và các đoàn quân của ông đã khơi lại một thời lịch sử hào hùng của ông cha ta. Ngay sau lễ diễu hành, các trò chơi dân gian lần lượt được tổ chức ở nhiều địa điểm: Vật, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…hay thi cắm trại của các trường bên sườn đồi đối diện.

Lễ hội đền Suối Mỡ được tổ chức vào ngày 30/03 và ngày 01/04 Âm lịch. Suối Mỡ thuộc địa bàn xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam; bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối chảy xuôi dòng len lỏi theo thung lũng núi Huyền Đinh- Yên Tử. Tại đây có nhiều thác và những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Dọc theo ven suối có một quần thể di tích gồm: đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Dấu tích cũ cho biết, quần thể di tích được xây dựng từ thời Lê- Mạc (thế kỷ XVI-XVII), phụng thờ công chúa Quế Mỵ Nương, con gái Vua Hùng. Tương truyền, bà được phong là Thượng ngàn Thánh mẫu vì đã có công khơi dòng suối Mỡ tưới tiêu cho đồng ruộng quanh năm tươi tốt, người dân nơi đây nhờ đó mà ấm no giàu có. Ngoài các trò vui và các môn thể thao diễn ra dịp hội, buổi tối còn có các chiếu hát chầu văn làm cho cuộc vui hội tưng bừng cả đêm.

Nghệ thuật Ca trù là bộ môn nghệ thuật truyền thống được kết hợp giữa hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ngày 01/10/2009, ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 2 di tích gắn với ca trù: Tại đình Lỗ Hạnh (xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa), được xây dựng năm 1576 còn bức chạm hình người chơi đàn đáy- loại đàn dành cho nghệ thuật ca trù ; địa điểm nữa tại đình Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) được xây dựng năm 1693, hiện còn tấm bia đá trong đó có ghi việc đổi lệ hát ca trù. Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 90 người biết đàn, hát ca trù và đã thành lập được 6 câu lạc bộ hát ca trù với khoảng hơn 50 thành viên.

Nghệ thuật Chèo truyền thống được phân bổ rộng khắp trên toàn tỉnh. Nghệ thuật chèo bao gồm múa, hát, âm nhạc và văn học trong tích trò. Văn chèo mang đậm chất trữ tình của ca dao, tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong các vở chèo rất rõ nét. Bắc Giang có trên 500 lễ hội truyền thống, được coi là đất diễn cho các chiếng chèo phát triển phong phú như: làng Đồng Quan (Yên Dũng), lang Then (Lạng Giang), làng Hoàng Mai (Việt Yên), làng Bắc Lý (Hiệp Hòa)… Trong nghệ thuật chèo truyền thống Bắc Giang có đến hàng trăm làn điệu được gìn giữ trong đời sống tinh thần nơi thôn dã.

Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu vùng châu thổ sông Hồng, nó còn được gọi là dân ca quan họ Kinh Bắc do được hình thành và phát triển ở vùng Kinh Bắc khi xưa, đặc biệt ở vùng giáp ranh 2 tỉnh Bắc Giang- Bắc Ninh ngày nay. Ngày 30/09/2009, UNESCO đã chính thức công nhận dân ca quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Cùng với 44 làng của tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang vinh dự có 5 làng quan họ cổ là: Hữu Nghi, Nội Ninh, Giá Sơn, Mai Vũ và Sen Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản văn hóa tỉnh Bắc Giang