Văn hóa - Du lịch

Di sản Thành nhà Hồ hơn cả một điểm đến

Thanh Phương 03/05/2023 - 17:52

Bằng nhiều cách làm độc đáo, sáng tạo, Di sản Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc) trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong các tua khám phá Thanh Hóa. Kết hợp với công nghệ hiện đại, cách giới thiệu gắn với những bài học lịch sử, du khách được trực tiếp trải nghiệm qua việc khám phá thực địa, khu vực khai quật những sự kiện của triều Hồ hiện lên sinh động, gần gũi.

Không quá ngạc nhiên khi Trang CNN (Mỹ) vừa công bố danh sách 21 di sản đẹp nhất thế giới, trong đó Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, Việt Nam) xếp vị trí thứ nhất. Đây là kinh đô nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407.

a2nhaho.jpg
Khu trưng bày hiện vật ngoài trời

Theo sử sách ghi lại, Thành do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397, trên tổng diện tích 5.234ha, bao gồm các kiến trúc chính là Thành Nội, Hào Thành, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Đây là tòa thành đá kỳ vĩ mang kiến trúc kết hợp giữa phong cách truyền thống của Việt Nam với khu vực Đông Á và Đông Nam Á, là ví dụ điển hình về một quần thể kiến trúc nằm giữa cảnh quan thiên nhiên có kỹ thuật xây dựng độc đáo và sử dụng các nguyên vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn (nặng từ 15 đến 20 tấn).

a1nhaho.jpg
Ứng dựng công nghệ hiện đại vào giới thiệu di sản

Thành nhà Hồ không còn nguyên vẹn, Thành Nội chỉ còn lại một số di tích, di vật như: Nền móng, phần tường thành, bốn cổng thành, khuôn viên cổng Nam, đôi rồng bậc thềm bằng đá, đường lát đá Hoa Nhai, bi đá, đạn đá, đồ gốm sứ và các hiện vật có giá trị đặc trưng cho văn hóa Trần - Hồ. Hào thành còn dấu tích ở phía bắc, phía đông và một nửa phía nam Thành nhà Hồ.

a3nhaho.jpg
Hình ảnh kết hợp với hiện vật trực tiếp

Dấu tích La thành đã được tìm thấy tại địa phận làng Bèo (xã Vĩnh Long) với chiều dài 2.051,9m, cao khoảng 5m, mặt cắt dạng hình thang với bề mặt rộng 9,2m, chân thành rộng 37m và đã được khoanh vùng bảo vệ. Đàn Nam Giao còn lộ rõ dấu tích 5 nền đàn với độ cao chênh lệch giữa nền thấp nhất và cao nhất là 7,8m. Đây là nơi nhà Hồ tổ chức lễ tế trời, cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, vương triều trường tồn, thịnh trị.

Tháng 6/2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trong đó khu vực được công nhận có tổng diện tích 155,5ha, bao gồm Thành Nội (142,2ha), đàn Nam Giao (4,3ha) và một phần của La Thành (9ha).

a6nhaho.jpg
Học sinh vừa tham quan vừa học

Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm di sản Thành nhà Hồ cho biết: “Để quảng bá, giới thiệu di sản với du khách trong và ngoài nước, chúng tôi đã cơ bản thay đổi cách tiếp cận, đứng dưới góc nhìn của du khách. Từ đó đa dạng hóa các loại hình giới thiệu, để du khách trực tiếp trải nghiệm khảo cổ, tham quan các hiện vật ngoài trời. Sử dụng công nghệ để các công trình, sự kiện lịch sử hiện lên thật hơn, gần gũi với mọi người. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, chúng tôi cũng tạo nhiều điểm để checkin lưu lại những khoảnh khắc thú vị tại Thành nhà Hồ. Ở các thời điểm thích hợp trong năm, đơn vị phối hợp với các nhà trường để học sinh được tham quan, trải nghiệm thực tế…

a7nhaho.jpg
Không gian xưa được xây dựng lại

Trong dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể, nghệ thuật của vùng đất cố đô, góp phần làm phong phú và nâng cao bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc để không ngừng nâng cao khả năng hưởng thụ văn hoá của Nhân dân, phục vụ khách tham quan khu di tích.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức buổi khai mạc không gian Trưng bày hiện vật ngoài trời vào dịp tháng 4/2023. Những hiện vật thu được từ cuộc khai quật, khảo cổ học đã tự nói lên câu chuyện văn hoá của nhiều triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Tây Đô. Đây là điểm checkin mới, ấn tượng với du khách khi đến tham quan di sản.

a9nhaho.jpg
Sảm phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác dịp 30/4-1/5

Không gian văn hóa nông nghiệp Tây Đô tại khuôn viên Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ được xây dựng công phu, giúp mọi người trân trọng, thấu hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân, chứa đựng những nét sinh hoạt văn hóa dung dị, thuần phát của con người, của làng quê Việt Nam góp phần chung tay gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật chất, tinh thần và những tinh hoa của tiền nhân.

a8nahho.jpg
Nhiều du khách ấn tượng khi tham quan Thành nhà Hồ

Tổ chức các Chương trình giáo dục Di sản nhằm tích cực góp phần xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, và mô hình “Trường học gắn với Di sản văn hóa”, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo trong tuổi trẻ học đường thông qua các hoạt động học tập và vui chơi lành mạnh góp phần định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước.

Trong năm 2023, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh chủ đề: “Thành Nhà Hồ - Di sản cho mai sau”, với chương trình cụ thể như “Em làm nhà Khảo cổ học”, “Di sản Thành Nhà Hồ và tôi”, “Di sản trong tay bạn”....

Với những khu vực mới được khai trương như trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách của triều Hồ; Lựa chọn và xây dựng điểm checkin tại bức tường thành phía Đông; Điểm checkin Sen trong hồ cổ thành nội. Ngoài tham gia du lịch nội thành, tuyến di sản Thành Nhà Hồ - làng cổ và tuyến tham quan văn hóa tâm linh vùng đệm dọc sông Mã là lựa chọn thú vị, hấp dẫn đối với du khách.

Theo thống kê, dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, Thành nhà Hồ đón khoảng 11,2 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Du khách cảm thấy thích thú, hài lòng với các sản phẩm du lịch mới, đa dạng được đưa vào khai thác tại Thành nhà Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản Thành nhà Hồ hơn cả một điểm đến