DIC đã triển khai cắt giảm hàng loạt các dự án đầu tư không hiệu quả trong năm 2013. Công ty dự kiến phát hành 8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:46 với giá 10,000 đồng/cp để huy động vốn bổ sung vốn lưu động trong năm 2014.
Sáng ngày 06/06/2014, đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của CTCP Đầu tư & Thương mại DIC – Intraco (HOSE: DIC) diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh. |
Câu chuyện về những dự án “chết yểu”
Đại hội tập trung sự chú ý về những thất bại trong các dự án đầu tư trong năm qua của công ty, bà Lê Thị Thúy Nga – Phó Tổng giám đốc tài chính chia sẻ CTCP Đầu tư & Thương mại DIC – Intraco (HOSE: DIC) đã định hướng trong năm 2014 sẽ cắt giảm các khoản đầu tư dự án này. Hiện tại, tổng số vốn đầu tư vào công ty liên kết liên doanh và công ty con là 124 tỷ đồng. Trong đó khoản đầu tư lớn nhất là Công ty Xi măng Hữu Nghị, chiếm 82.8 tỷ đồng, dự án khu cao ốc trung tâm thương mại Trần Hưng Đạo 13.4 tỷ đồng, khoản đầu tư vào các công ty con (Công ty Minh Phong, Công ty DIC – Đà Nẵng, DIC – Đà Lạt) chiếm gần 28 tỷ đồng.
Đặc biệt là dự án Xi măng Hữu Nghị 2 để lại sự nuối tiếc đối với HĐQT công ty khi thất bại trong việc góp vốn và tiến độ dự án kéo dài hơn 6 năm mà vẫn chưa hoàn thành. Do không được như kỳ vọng ban đầu, nên DIC đã giảm góp vốn đầu tư liên doanh 50 tỷ đồng, đồng thời hoàn tất mua tài sản của nhà máy Xi măng Hữu Nghị 2 là thiết bị dây chuyền sản xuất Clinker Xi măng Pooc lăng lò quay, công suất 1,200 tấn/ngày với tổng định giá tài sản là 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, DIC sẽ tạm ngưng các dự án chậm tiến độ, tăng cường hoạt động giám sát quản trị rủi ro của tất cả các dự án đã đầu tư góp vốn liên doanh và nâng mức sở hữu Công ty Vận tải Minh Phong lên 51% do công ty này hoạt động rất hiệu quả khi lợi nhuận sau thuế đạt 10.7 tỷ đồng trong năm 2013, chiếm 76% lợi nhuận toàn công ty.
“Miếng bánh” ngói màu chia 5 xẻ 7
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc sản phẩm ngói màu trong những năm gần đây đều chỉ đạt 70% kế hoạch năm, đại diện của doanh nghiệp cho biết trong những năm đầu, số lượng doanh nghiệp thương mại thì ít trong khi nhu cầu xây dựng nhiều, DIC gần như là nhà sản xuất ngói màu đầu tiên ở Tp.HCM.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, dung lượng cũng như sức mua của thị trường đã giảm mạnh do nền kinh tế chung đi xuống cùng với sự phát triển ồ ạt các doanh nghiệp làm thương mại, từ lúc đầu chỉ 5 đến nay đã hơn 40 thương hiệu ngói màu. Ông cũng chia sẻ thêm do những năm vừa rồi DIC đã không kịp phản ứng với thị trường cùng với công nghệ còn lạc hậu, chậm đổi mới nên mất dần thị phần.
Tập đoàn nước ngoài “nhăm nhe” thâu tóm?
Một trong những cổ đông gắn bó với công ty trong nhiều năm đã phát biểu những trăn trở của mình tại đại hội lần này: “Hiện tại các tập đoàn nước ngoài đang “nhăm nhe” và có dấu hiệu thôn tính các doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng Clinker. Vậy DIC đã hoạch địch ra những kế hoạch gì để đối phó vấn đề này?”
Giải đáp vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc DIC chia sẻ rằng hiện tại thị trường sản xuất Clinker tại Việt Nam còn manh mún và nhỏ lẻ, quy trình sản xuất và công suất của nhà máy chỉ đáp ứng được mức trung bình so với tiêu chuẩn của các tập đoàn nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất phải cần đến 10 nhà máy sản xuất mới đáp ứng được công suất yêu cầu từ phía nước ngoài – ông nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi bên lề đại hội, ông Dũng chia sẻ thêm về quan điểm của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Xây dựng đến lúc này sẽ không để các tập đoàn nước ngoài dễ dàng mua được nhà máy sản xuất Clinker từ các doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân là nếutập đoàn nước ngoài thôn tính, khai thác và sản xuất trong lĩnh vực này sẽ khó kiểm soát và gây ảnh hưởng không tốt đến tài nguyên, môi trường của đất nước trong thời gian dài.
Điểm sáng cho hoạt động sản xuất xi măng
Khi cổ đông thắc mắc về khoản lỗ gần 3 tỷ đồng của Nhà máy Xi măng DICở Bình Phước, ông Lê Ngọc Khôi – Giám đốc nhà máy phát biểu do bắt đầu hoạt động vào năm 2012- là khoảng thời gian nền kinh tế đang bị suy thoái, các doanh nghiệp xây dựng trong nước triển khai các dự án ít hẳn so với trước. Thêm vào đó, trong năm 2013, DIC chú trọng công tác làm thị trường để thu hút sự quan tâm của khách hàng… là những nguyên nhân chính khiến nhà máy mặc dù doanh thu tăng hơn hơn 55% nhưng bị lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Ông Khôi tin rằng trong năm nay sẽ có nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hơn so với năm trước và đó sẽ là điều kiện thuận lợi để DIC đẩy mạnh doanh thu mảng sản xuất xi măng. Ông cho biết theo kế hoạch 2014, hoạt động này dự kiến sẽ mang về cho DIC 40 tỷ doanh thu và 2 đến 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết thúc tháng 5, doanh thu ghi nhận từ nhà máy đã đạt 19 tỷ đồng, hoàn thành gần 48% kế hoạch.
Kết quả kinh doanh khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều lo âu
Tại đại hội, Ban lãnh đạo công ty cho biết trong năm 2013, DIC đạt 2,583 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt 71%; lợi nhuận trước thuế đạt 19.2 tỷ đồng, vượt 17% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 14,2 tỷ đồng, cổ tức năm 2013 ở mức 6% bằng tiền mặt.
Nhấn mạnh về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ tịch HĐQT cho biết kết quả kinh doanh quý 4/2013 của DIC đã bắt đầu khởi sắc, thêm vào đó, ông cùng với Ban lãnh đạo công ty cũng nhận định tình hình kinh doanh của DIC trong năm 2014 sẽ có kết quả khởi sắc hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên – ông phát biểu thêm - trước những tình hình phức tạp của Biển Đông trong thời gian gần đây và những động thái chưa thể dự đoán được từ phía Trung Quốc, Ban lãnh đạo của DIC đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình.
Một số cổ đông lớn nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp cũng có đôi lời chia sẻ quan điểm của mình trước đại hội. Cụ thể, các cổ đôngđề cập đến những dự án bất động sản mà hiện tại DIC đang rót vốn đầu tư hay hợp tác kinh doanh nhưng đang gặp khó khăn lớn do thị trường những năm vừa qua trầm lắng khiến dự án không triển khai như dự tính ban đầu. Về mảng sản xuất và kinh doanh mặt hàng Xi măng, tuy rằng nhà máy Bình Phước vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, nhưng đất nước nào cũng cần xây dựng, và đây là thời cơ tốt để DIC phát triển về sản phẩm này.
Thêm vào đó, cổ đông cũng đề xuất doanh nghiệp trong thời điểm này cần cẩn trọng và cân nhắc nhiều tiêu chí khi cho khách hàng nợ hay bán hàng gối đầu. Do trong năm vừa qua vì tăng trưởng doanh thu lên gấp hai lần nên khoản phải thu của DIC cũng tăng tương ứng, nếu có chính sách bán hàng và thu hồi công nợ tốt trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ dễ dàng kiểm soát được nguồn vốn và chủ động trong việc quản lý dòng vốn lưu động hơn.
Kế hoạch tăng vốn liệu khả thi?
Năm 2014, DIC đặt kế hoạch doanh thu thuần 2,954 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 24.7 tỷ đồng, tăng lần 14% và 29% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 6%.Công ty dự kiến phát hành.
Khá nhiều cổ đông có ý kiến về việc hiện tại giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường chỉ dao động từ 7,500 – 8,000đồng/cp, tuy nhiên tại đại hội, DIC trình kế hoạch sẽ phát hành 8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:46 bằng mệnh giá để huy động vốn bổ sung vốn lưu động trong năm 2014.
Giải trình trước đại hội, bà Nga chia sẻ ngoài việc ráo riết cắt giảm các hoạt động đầu tư những dự án không hiệu quả thì trong năm vừa rồi DIC đã kiểm soát tốt hơn nguồn vốn ngắn hạn khi vòng quay vốn lưu động đạt 4.5 vòng. Để được doanh số như kế hoạch – bà Nga nói thêm – cần phải có nguồn vốn đối ứng từ 120 – 150 tỷ đồng. Tuy rằng, DIC có lợi thế lớn khi tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng, đặc biệt với 2 ngân hàng BIDV (BID) và HDBank hiện đang cấp tín dụng cho DIC hơn 1,000 tỷ đồng, cùng với mức lãi suất luôn thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất cho vay bình quân trên thị trường. Nhưng tại đại hội, bà Nga cũng xin trình kế hoạch tăng vốn nhằm nâng tầm quy mô, giúp giảm áp lực huy động vốn từ các tín dụng và dễ dàng nắm bắt các cơ hội kinh doanh tốt hơn và Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng sẽ gia tăng giá trị của cổ đông để ít nhất phải đạt được cổ tức 6% trong năm 2014.
Bổ sung thêm ý của bà Nga, ông Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty chia sẻ rằng đợt phát hành có thể sẽ diễn ra vào giai đoạn cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.
Gia Nguyên