Vấn đề quan tâm

Để không còn những cái bẫy "ngọt ngào"

Trang Nhi 24/10/2024 - 09:31

Dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng những cái bẫy "việc nhẹ lương cao" vẫn cứ lặp lại và thu hút nhiều người tham gia.

Cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn dính

Lừa đảo "việc nhẹ lương cao" là một trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an liên tục đưa ra các cảnh báo, đồng thời tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác. Thế nhưng, nhiều nạn nhân vẫn mắc bẫy qua những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

viec-nhe-luong-cao-1.jpg
Cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn dính

Nguyễn Hải Minh, sinh viên năm nhất trường Cao đẳng nghề Bách Khoa là một ví dụ điển hình. Chỉ với một quảng cáo tuyển dụng việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội, Minh đã mất 20 triệu đồng tiền cọc cho những khoản phí không có thật.

Anh không phải là trường hợp duy nhất, Trần Minh Huy, sinh viên năm nhất trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đã mất gần 30 triệu đồng trong một vụ lừa đảo tinh vi liên quan đến việc mua bán hàng hóa trực tuyến.

Các hình thức lừa đảo rất đa dạng, từ yêu cầu đóng tiền cọc cho đồng phục, giấy tờ, đến việc yêu cầu sinh viên đầu tư vào các đơn hàng với hứa hẹn hoa hồng cao. Những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập của sinh viên, thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng cáo những công việc tưởng chừng hấp dẫn.

Các đối tượng lừa đảo hiện nay sử dụng công nghệ cao để thực hiện các chiêu trò, từ việc tạo ra các trang web giả mạo đến việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin để liên lạc với nạn nhân. Điều này càng làm cho việc phát hiện lừa đảo trở nên khó khăn hơn.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội, cho biết hiện phương thức và thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, mặc dù thủ đoạn lừa đảo là cũ nhưng biến tướng dưới nhiều hình thức mới phức tạp.

Lừa đảo "việc nhẹ lương cao" là hành vi đáng lên án, và cần phải nghiêm trị nghiêm khắc để đảm bảo thượng tôn pháp luật, xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn.

Đã đến lúc chúng ta không thể chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt cảnh tỉnh.

viec-nhe-luong-cao-2.jpg
Để không còn những cái bẫy "ngọt ngào" việc nhẹ lương cao

Làm sao để dẹp bỏ hoàn toàn bẫy "việc nhẹ lương cao"?

Để chủ động phòng tránh bẫy, khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội, đặc biệt với những thông tin tuyển dụng, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác.

Những bài đăng lừa đảo tuyển dụng thường không có thông tin rõ ràng, đăng lặp đi lặp lại trên các hội nhóm mạng xã hội, liên hệ làm việc qua Facebook, Zalo, yêu cầu đặt cọc,... nhằm đánh vào tâm lý người lao động muốn tìm việc nhẹ lương cao, thủ tục dễ dàng, nhanh gọn.

Một số ý kiến còn đề nghị sửa luật, tăng hình phạt để những đối tượng phạm tội lấy đó làm gương.

Theo luật hiện hành, ở khoản 1 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi lừa đảo gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên tùy vào mức độ hành vi phạm tội, có thể áp dụng một số hình thức khác và từ đó mức xử phạt cũng nặng nhẹ khác nhau.

Theo Luật sư Dương Phúc Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM), việc sửa luật, tăng hình phạt cũng chỉ là một trong những giải pháp, chứ không phải là vấn đề cốt lõi để dẹp được nạn lừa đảo việc nhẹ lương cao.

Để giải quyết vấn nạn trên, phải phối hợp và sử dụng đồng bộ các biện pháp, chứ không chỉ áp dụng mỗi pháp luật. Trong đó có cả biện pháp tuyên truyền, giáo dục.

Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm giám sát và siết chặt không gian mạng, chặn ngay các website và các trang có quảng cáo cờ bạc... Các nhà mạng điện thoại nên rà soát chặn ngay các cuộc gọi lừa đảo.

Song song đó các cơ quan quản lý lao động và việc làm phải tích cực vào cuộc, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thời gian qua, cũng vì muốn tìm công ăn việc làm có thu nhập tốt mà nhiều người sập bẫy.

Thiết nghĩ chúng ta cần tạo dựng hành lang pháp lý để có thể đủ sức răn đe, nghiêm trị thích đáng các hành vi lừa đảo "việc nhẹ lương cao".

Cải cách, hoàn thiện quy định, chế tài xử phạt là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn vấn đề, để giảm thiểu tối đa lỗ hổng cho các hành vi lừa đảo "việc nhẹ lương cao" đang hoành hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không còn những cái bẫy "ngọt ngào"