Đề án 06 được triển khai đồng bộ, quyết liệt ở Tây Ninh trong thời gian qua đã tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, từ đó, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới cho địa phương.
Mới đây, tại thông báo ngày 22/11/2024 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Kết luận nêu rõ: Đề án 06 thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy quản trị đất nước tốt hơn và cung ứng dịch vụ công hiệu quả với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, tập trung xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các cấp, ngành, địa phương được củng cố, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.
Một số kết quả nổi bật của Đề án 06 là công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực; thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên; các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án 06 còn tồn tại một số hạn chế như việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa kịp thời; vẫn còn khoảng trống trong xây dựng các văn bản pháp lý cho chuyển đổi số nói chung và triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 nói riêng; dữ liệu chưa thực sự "đúng, đủ, sạch, sống"; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ hiệu quả chưa cao, việc bảo đảm vận hành thông suốt giữa các hệ thống còn nhiều bất cập...
Tại Tây Ninh, Đề án 06 được xem là một trong những chiến lược quan trọng nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt hơn.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 06 ở Tây Ninh là xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động của chính quyền.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành thu thập, cập nhật và quản lý thông tin dân cư một cách chính xác và đầy đủ. Hệ thống này không chỉ giúp tăng cường tính chính xác trong công tác quản lý mà còn tạo ra lợi ích cho việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
Cạnh đó, Đề án 06 giúp đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính, từ đó rút ngắn thời gian thực hiện và giảm thiểu chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Người dân có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà không cần đến trực tiếp các cơ quan hành chính, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí chuyển tiếp.
Mặt khác, hệ thống một cửa điện tử cùng với các ứng dụng đã giúp người dân truy cập, theo dõi thông tin nhanh chóng.
Với doanh nghiệp, việc số hóa các dịch vụ công giúp dễ dàng đăng ký, xin cấp phép, thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế, đất đai, lao động… một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Đề án 06 còn góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước tại Tây Ninh. Các cơ quan chức năng có thể giám sát và kiểm tra các thủ tục hành động chính một cách hiệu quả hơn thông qua dữ liệu, từ đó phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Trước đó, đầu tháng 2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch số 373/KH-TCTĐA06 về việc triển khai thực hiện các mô hình theo nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch này nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg tại tỉnh Tây Ninh trong năm 2024 và các năm tiếp theo; triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển VNeID và Ứng dụng công dân số tỉnh trên nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, kế thừa và phát huy thế mạnh của mỗi ứng dụng, không chồng chéo, liên thông dữ liệu hướng đến tiện tích cho người dân, doanh nghiệp.
Kế hoạch gồm 42 mô hình, chia thành 5 nhóm: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (5 mô hình); Nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội (16 mô hình); Nhóm tiện ích phục vụ công dân số (11 mô hình); Nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính (3 mô hình); Nhóm phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp (7 mô hình).
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 06.
Đề án có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.