Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Nhờ đó hoạt động du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng lượt khách đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 11% so với cùng kỳ.
Chiều 9/7, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (MDTA) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Theo ông Lê Minh Sơn, Phó Chủ tịch MDTA, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có bước tiến triển khá tốt, cụ thể tổng số lượt khách đến ĐBSCL là gần 30 triệu lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023 (tăng 33,56% so với cùng kỳ 2019). Trong đó, khách quốc tế trên 1,3 triệu lượt, tăng 38,72 % so với cùng kỳ 2023; khách nội địa hơn 28,6 triệu lượt, tăng 10,22 % so với cùng kỳ 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2023.
Qua đó cho thấy, toàn ngành du lịch ĐBSCL đã nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác - xúc tiến, quảng bá và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Để có được thành quả đó, ngoài sự nỗ lực của các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch là sự đóng góp rất quan trọng của cơ quan quản lý trong tạo điều kiện, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho các đơn vị kinh doanh trên lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt, với vai trò cầu nối, kết nối, liên kết, hỗ trợ, MDTA đã xúc tiến thành lập 2 cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông và phía Tây ĐBSCL; tổ chức khảo sát, thẩm định, bình chọn và ban hành quyết định công nhận thêm 4 “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”, nâng tổng số “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” hiện có lên 56 điểm.
Ngoài ra, MDTA cũng phối hợp với các địa phương tổ chức Đoàn khảo sát điểm đến Campuchia - Thái Lan và Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại Bangkok Thái Lan. Đặc biệt, trong chuyến đi này, các thành viên trong đoàn đã đóng góp gần 16 triệu đồng đến thăm và tặng quà cho trẻ em nghèo là con em đồng bào Việt Nam đang sinh sống tại Biển Hồ Campuchia.
Đồng thời, MDTA cũng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang, Sở Du lịch Kiên Giang tổ chức Chương trình khảo sát điểm đến (Tuyên Quang, Phú Thọ) và Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại Hà Nội (trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024); tổ chức các chương trình tập huấn tay nghề cho đầu bếp chuyên nghiệp; tổ chức Hội thi “Đầu bếp tài năng”; tổ chức Đại hội Liên chi Hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL nhiệm kỳ III (2024 - 2029)…
Phát biểu kế luận hội nghị, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch MDTA cho biết, trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị, MDTA đề ra phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm là tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 82-NQ/CP, ngày 18/5/2023, của Chính phủ, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững;
Tổ chức họp Ban Thường vụ MDTA, để trao đổi, bàn bạc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng lần I/2024, gắn với Họp mặt kỷ niệm 64 Ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2024).
Phối hợp với Báo Công lý tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL”; phối hợp tổ chức khảo sát điểm đến và Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL tại tỉnh Quảng Ninh; xây dựng kế hoạch khảo sát, thẩm định Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL đợt 2, năm 2024 và các cuộc họp liên quan đến hoạt động của MDTA.
“Trọng tâm là củng cố nhân sự để MDTA ngày càng mạnh hơn; xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm hiện có; xúc tiến thành lập ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL; đẩy mạnh liên kết đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch”, Chủ tịch MDTA Trần Việt Phường nhấn mạnh.