Chính trị

ĐBQH: Đề nghị quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Mai Thoa 19/06/2023 - 15:35

Quản lý và sử dụng, sở hữu nhà chung cư là vấn đề “nóng” được nhiều ĐBQH đề cập đến trong phiên họp Quốc hội thảo luận về Luật Nhà ở (sửa đổi), sáng 19/6.

Phát biểu thảo luận các đại biểu đánh giá cao về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này và cho rằng, nội dung đã hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay về phát triển nhà ở, về đầu tư nhà ở xã hội, về quản lý nhà ở và đặc biệt là vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời, đây cũng là dự án luật khó, quan trọng, tác động lớn đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.

190620230947-z4444101496935_4641d950eadda9fe34fe188eb3b77f9b.jpg

Ban quản trị nhà chung cư sai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, vấn đề quản trị nhà chung cư hiện nay đang rất nóng và phức tạp, có tác động nhiều tới quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của dự thảo luật cần phải sửa đổi các nội dung sau:

Thứ nhất, hiện nay theo quy định tại khoản 3 Điều 146 thì Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn, tùy theo mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này có 2 điểm không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đó là:

Bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tiếp đến là, không thống nhất vì theo quy định của BLHS chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị sửa khoản 3 Điều 146 dự thảo luật theo hướng, bổ sung cụm từ "thành viên" vào trước cụm từ "Ban quản trị nhà chung cư"; bổ sung cụm từ "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" vào trước cụm từ "vượt quá quyền hạn".

Tại đoạn 2 khoản 3 Điều 152 dự thảo luật quy định "trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật".

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và không thống nhất với Điều 144 BLHS. Để khắc phục hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 Điều 152 dự thảo Luật là: "Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, VKS có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc này".

Tại khoản 2 Điều 194 dự thảo luật quy định: "Người có một trong 3 hành vi sau đây: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hai, thiếu trách nhiệm; ba, vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở và hành vi khác khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

190620230906-z4444085918575_e575f76694b6245f4919238fb86fa820.jpg
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu thảo luận.

Theo đại biểu, quy định này có hạn chế là chưa đủ số lượng hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không rõ hành vi khác là hành vi khác so với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn; khác hành vi thiếu trách nhiệm hay khác hành vi vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở; và còn bỏ sót trách nhiệm pháp lý mà người vi phạm pháp luật về nhà ở có thể phải chịu.

Từ đó, đại biểu đề nghị sửa Điều 194 quy định theo hướng: Người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nên quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Liên quan đến vấn đề về cải tạo, xây dựng nhà ở chung cư, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng, thực tiễn thời gian vừa qua việc xây dựng đối với những nhà chung cư, nhà tập thể do Nhà nước đầu tư và quản lý đã xuống cấp, hư hỏng nặng, gây nguy hiểm và rủi ro rất lớn đến tính mạng và tài sản của người đang cư trú, gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn, từ công tác quản lý cho đến việc giải quyết cho các hộ gia đình đang sinh sống ở trong các khu nhà ở đó.

Hiện nay, số lượng nhà ở tập thể của Nhà nước ở nhiều địa phương rất lớn, nhiều nhà đã xuống cấp trầm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân, nhất là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể giải quyết đối với các trường hợp nhà chung cư, nhà ở xã hội xuống cấp này.

Tại Điều 64 dự thảo luật quy định: Đối với trường hợp chung cư, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm hình thức Nhà nước đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các hộ đang thuê.

100620230243-cuong.jpg
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng phát biểu tại hội trường sáng nay 19/6.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đồng tình quy định về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư từ một mục với 7 Điều đã bổ sung thành một chương với 13 Điều trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu, nội dung của 13 Điều này cũng rất phức tạp, có rất nhiều điểm chắc chắn sẽ còn tranh luận và có ý kiến khác nhau.

Hiện nay, việc cải tạo khu chung cư cũ không hề đơn giản với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo đại biểu nguyên nhân chính xuất phát ở chỗ chúng ta đang quy định nhà chung cư cũ đó là được sở hữu vĩnh viễn, sở hữu không thời hạn, chính vì quy định như vậy nên chủ căn hộ không đồng ý là chúng ta không thể phá dỡ được.

Hiện hầu hết chung cư cũ là thấp tầng, nếu cải tạo lại, chủ đầu tư đầu tư có thể nâng thêm tầng và như vậy sẽ có kinh phí để cải tạo lại. Nhưng trong tương lai, những khu chung cư cũ cần cải tạo sẽ là những chung cư cao tầng, nếu có cải tạo lại cũng không được nâng thêm tầng hơn nữa nên sẽ rất khó để thu hút nhà đầu tư tham gia.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị không chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế, mà phải quy định rất rõ là thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế. Tương tự, đất dành cho xây dựng nhà chung cư không nên là đất giao vĩnh viễn mà nên là loại đất cho thuê theo thời hạn xây dựng và cho trả tiền một lần, đại biểu đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Đề nghị quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn