Bất động sản

Đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy mạnh mẽ bất động sản ở mọi phân khúc

Trang Nhi 21/06/2024 - 09:09

Với nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đạt tiến độ tốt, ngành bất động sản dự kiến sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ ở mọi phân khúc trong dài hạn.

Tập trung đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các công trình cơ sở hạ tầng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong năm 2024. Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.

dau-tu-ha-tang.jpg
Đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy mạnh mẽ bất động sản ở mọi phân khúc

Trong báo cáo Impacts của Savills World Research, Việt Nam đã tăng chi cho cơ sở hạ tầng từ 2,5% GDP năm 2016 lên 6% năm 2020, khi cam kết tạo ra mạng lưới giao thông toàn quốc toàn diện vào năm 2045.

Việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…

Tính đến giữa tháng 6, việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm đạt các kết quả rất đáng mừng.

Mạng lưới này sẽ bao gồm 5.000 km đường cao tốc, một cảng nước sâu và hai tuyến đường sắt cao tốc. Trong đó, nền tảng là Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Hiện dự án này đang được đẩy mạnh thi công và đã lên hình hài, dự kiến hoạt động toàn bộ công suất vào năm 2035.

Bên cạnh đó, các dự án khác như Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài... cũng đang được triển khai tích cực.

Cả nước hiện có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP HCM.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, mối liên hệ giữa nỗ lực giải ngân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sự phát triển bất động sản rất chặt chẽ. Bởi cơ sở hạ tầng mới thường thu hút các doanh nghiệp và người lao động mới, tạo thành các cụm. Nơi nào có cơ sở hạ tầng phát triển thì văn phòng, nhà kho, cửa hàng và khu dân cư thường theo sau.

Nhiều dự án đã thúc đẩy phát triển bất động sản trong lĩnh vực du lịch ngày càng quan trọng của Việt Nam. Đơn cử, khách sạn Hilton Saigon cao 32 tầng đã mở cửa vào cuối năm 2023. Dự kiến sẽ có nhiều dịch vụ khách sạn và bán lẻ cao cấp hơn trong thành phố và các khu vực xung quanh khi sân bay đi vào hoạt động.

Cũng theo báo cáo, khi một dự án giao thông vận tải hoặc năng lượng được hỗ trợ nguồn vốn hợp lý ngay từ giai đoạn đầu, nó sẽ mang lại sự an tâm cho các nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản, giúp họ tự tin triển khai kế hoạch.

Đặc biệt, đối với những đơn vị đang và sẽ thuê văn phòng, không gian bán lẻ hoặc bất động sản công nghiệp, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ góp phần củng cố niềm tin của họ.

Bên cạnh đó, Giám đốc Savills World Research cũng chỉ ra những rủi ro xung quanh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chủ yếu liên quan đến tính chất chất lâu dài của mỗi dự án. Do đó, các điều kiện chính trị và kinh tế có thể thay đổi đáng kể trong năm hoặc 10 năm, khiến các dự án tạm thời bị gác lại, hạ cấp hoặc gặp vấn đề về tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy mạnh mẽ bất động sản ở mọi phân khúc