Ký sự pháp đình

Bước ngoặt buồn của nữ môi giới bất động sản chuyển nghề cầm… vàng giả

An Dương 20/06/2024 - 16:05

Khi kinh tế trầm lắng, bất động sản “đóng băng”, nhiều người môi giới bỗng chới với thất nghiệp. Có người kịp thời chuyển hướng, kẻ lại loay hoay trong ngõ cụt để rồi “đói ăn vụng, túng làm liều”. Bị cáo Trần Thị Điệp (SN 1983, ngụ tỉnh Bình Dương) là một nữ môi giới rơi vào nghịch cảnh đáng tiếc như vậy...

Hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa cho thấy bị cáo Trần Thị Điệp có công việc môi giới bất động sản ổn định tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Khi đại dịch Covid -19 ập đến kéo theo giãn cách xã hội, khủng hoảng kinh tế, nghề môi giới bất động sản trở nên teo tóp bởi sự ế ẩm. Điệp có chuyển hướng, xoay sang bán hàng online nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Điệp khai nhận: Áp lực kinh tế làm mẹ đơn thân phải nuôi 3 con nhỏ khiến bị cáo quay cuồng trong khốn khó để rồi nhất thời sa ngã.

dai-dien-vks.jpeg
Đại diện Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương công bố cáo trạng. (Ảnh minh họa)

Trong một lần lướt trên mạng xã hội, Điệp thấy những video quảng cáo các loại trang sức mạ vàng nhìn như thật. “Cái khó ló cái... ranh ma”, Điệp liền nảy sinh ý định mua vàng giả để lừa những người hành nghề cầm đồ trong vùng. Nghĩ là làm, khoảng đầu tháng 1/2022, Điệp lên mạng xã hội mua 21 vòng tay, 1 sợi dây, 1 cặp bông tai, tất cả đều là vàng giả với giá 500.000 đồng.

Điệp nhắm vào bà Huỳnh Ngọc Thương, một người giàu có chuyên nhận cầm cố tài sản. Ngày 8/7/2022, Điệp mang theo số vàng giả trên đến nhà bà Thương ngỏ ý muốn thế chấp tạm thời lấy tiền giải quyết công việc. Bà Thương nhớ lại: “Bị cáo nói với tôi đây là vàng thật, khi tôi yêu cầu Điệp cung cấp giấy mua bán vàng cho rõ ràng thì bị cáo nói sẽ đưa sau”.

Khi cầm số trang sức trên tay, bà Thương quan sát bằng mắt thường thấy quả nhiên không khác gì vàng thật nên chẳng mảy may nghi ngờ. Bà liền đồng ý cho Điệp vay 60 triệu đồng rồi viết giấy mượn tiền. Điệp nhanh tay ký giấy, cầm tiền về nhà.

Thấy bà Thương mất cảnh giác, ngày 11/7/2022, Điệp lục lại 2 hóa đơn mua bán vàng mà bị cáo giao dịch từ tháng 4/2022. Điệp cẩn thận sửa lại thông tin, biến từ tháng 4 sang tháng 7/2022 cho trùng khớp với số vàng giả đã cầm cho bà Thương. Quả nhiên khi xem hóa đơn mua bán vàng thấy trọng lượng ghi rõ 3,8 cây vàng “9999”, bà Thương tin tưởng Điệp cầm bằng vàng thật.

Biết “cá cắn câu”, Điệp tiếp tục hỏi mượn bà Thương thêm 70 triệu đồng. Bà Thương lại đồng ý rồi viết giấy mượn tiền. Chỉ bằng mớ vàng giả có giá 500.000 đồng, Điệp đã vay gọn của bà Thương 130 triệu đồng.

Lòng tham không đáy, để chiếm được nhiều tiền hơn từ bà Thương, ngày 20/7/2022, Điệp mang theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một người khách đến đặt vấn đề vay mượn. Thấy Điệp uy tín sau vụ “hóa đơn vàng”, bà Thương liền cho bị cáo mượn thêm 280 triệu đồng, cả hai có viết giấy mượn tiền. Vài ngày sau, bị cáo đến gặp bà Thương mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên. Do tin tưởng nên bà Thương trả lại cho Điệp.

Xuyên suốt vụ việc, bà Thương liên tục bị Điệp “dẫn dắt” khiến bà như bị thao túng tâm lý. Ngày 22/7/2022, Điệp lại mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ giao lại cho bà Thương và hỏi mượn thêm 50 triệu đồng để đặt cọc đất. Bà Thương đồng ý giao tiền rồi giữ lại “sổ đỏ”. Đến ngày 24/7/2022, bà Thương cho bị cáo mượn tiếp 100 triệu đồng, thậm chí khi Điệp tỷ tê cần mượn lại giấy tờ đất để làm thủ tục công chứng chuyển nhượng đất rồi trả hết toàn bộ khoản nợ, bà Thương vẫn tin tưởng chấp nhận.

Khi Điệp không còn gì để thế chấp, bà Thương mới thấy “lăn tăn” trước những diễn biến vay tiền dồn dập của Điệp. Bà Thương vội kiểm tra cẩn thận lại số vàng bị cáo dùng thế chấp mới bàng hoàng phát hiện tất cả đều là loại “vàng mã”. Hoảng hốt, bà yêu cầu Điệp gặp nói chuyện đúng sai. Biết hành vi bại lộ, Điệp liền thừa nhận toàn bộ số vàng cầm cho bà Thương là hàng giả. Điệp hứa trả lại tiền cho bà Thương nên hai người viết giấy mượn tiền tổng cộng 560 triệu đồng.

Trên thực tế, Điệp có trả cho bà Thương 100 triệu đồng rồi mất khả năng thanh toán. Do đó cuối tháng 10/2022, bà Thương tố giác, Điệp bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành trưng cầu giám định số nữ trang của Điệp cầm cố vay tiền. Kết luận cho thấy tất cả nhẫn, vòng tay, hoa tai chỉ là hợp kim đồng - kẽm, bề mặt mạ vàng, nickel, đồng. Cơ quan điều tra xác định việc Điệp sử dụng vàng giả để cầm cố, chiếm đoạt 130 triệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng việc bà Thương nhận cầm “sổ đỏ” của Điệp là giao dịch dân sự

Quá trình xét xử, cấp sơ thẩm tuyên phạt Trần Thị Điệp 3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điệp kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bà Thương cũng kháng cáo để rộng lượng xin cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm được TAND tỉnh Bình Dương xét xử, Điệp thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo trình bày do công việc môi giới bất động sản ế ẩm, không suôn sẻ, Điệp là mẹ đơn thân phải gồng gánh nuôi 3 con nhỏ, khó khăn bị cáo túng quẫn nên nảy sinh ý định dùng vàng giả để lừa đảo. Điệp cho rằng đã trả lại bà Thương 100 triệu đồng khi bị hại tố cáo để khác phục hậu quả.

HĐXX nhận định tại phiên tòa, Điệp cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ mới là bị cáo trả lại toàn bộ tiền chiếm đoạt cho bị hại. Tuy nhiên, việc Điệp xin hưởng án treo là không đủ căn cứ vì bị cáo phạm tội 2 lần trở lên. Từ đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt Điệp 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong vụ án, cả Điệp lẫn bà Thương đều hối tiếc bởi hành vi đã đẩy hậu quả đi quá xa. Điệp đối mặt với những tháng ngày trong tù, bỏ lại 3 con nhỏ bơ vơ. Bà Thương cũng trăn trở bởi sự mất cảnh giác khiến bà vướng vòng tố tụng, có xin cho Điệp hưởng án treo cũng bất thành. Bài học đắt giá là mỗi người cần có trách nhiệm với bản thân, tỉnh táo ngăn chặn hành vi phạm pháp trước khi các hậu quả phát tác khôn lường…

(Tên bị hại đã được thay đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt buồn của nữ môi giới bất động sản chuyển nghề cầm… vàng giả