Với đặc tính cơ bản như dễ điều khiển, khó ngăn chặn, sức công phá lớn… những chiếc xe bị biến thành các quả bom di động liều lĩnh một cách đáng sợ như trong vụ tấn công Nice ngày 14/7.
Thành phố Nice xinh đẹp đã không thể vui mừng trong Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Pháp (14/7)
Tối 14/7, Nice chìm trong tiếng súng đạn, tiếng người kêu gào, thi thể người chết nằm la liệt trên đường, máu vương vãi khắp nơi… Ít nhất 84 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Vụ đánh bom liều chết bằng xe tải này được coi là vụ tấn công kinh hoàng và tồi tệ nhất trong lịch sử thành phố miền Nam nước Pháp.
Trước đó, ngày 2/7, vụ đánh bom xe tự sát xảy ra gần một nhà hàng và khu mua sắm sầm uất ở trung tâm Thủ đô Baghdad (Iraq), khiến hàng trăm người thương vong. Phương tiện được những kẻ khủng bố dùng để gây ra vụ thảm sát kinh hoàng cũng là… xe tải chứa bom.
Nhìn lại những vụ đánh bom liều chết gây kinh hoàng thời gian gần đây, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế bỗng giật mình nhận ra, dường như chiến thuật của những kẻ tấn công đã thay đổi thực sự. Những con Sói đơn độc đã không còn “đơn độc”! Chúng không chơi chiến thuật “tự biên tự diễn”, một mình hành động, mà dường như đã liên kết nhau để thực hiện mục đích “lớn lao và cao cả”: phô trương thanh thế, vì niềm tin tuyệt đối vào Thượng đế anh minh (!?).
Thực tế, những vụ tấn công ở Nice hay Baghdad không phải là các vụ đánh bom liều chết bằng xe tải đầu tiên mà những kẻ khủng bố thực hiện. Và đây cũng chưa phải là loại bom xe tối tân nhất được bọn chúng sử dụng. Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015, tổ chức Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) đã lần lượt chiếm lĩnh được các thành phố rộng lớn và chiến lược như Palmyra (Syria) và Ramadi (Iraq)… nhờ bom xe tự chế.
Chẳng hạn, trong trận giao tranh ở Ramadi, các tay súng IS đã dùng tới khoảng 30 bom xe cải tiến làm vũ khí chống trả đối phương nhằm chiếm các thành trì quan trọng mà quân chính phủ và lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu bảo vệ. Những chiếc xe này sẵn sàng được kích hoạt để nổ tung bất cứ vật nào cản đường chúng tiến lên.
Chiếc xe bom của IS ngày 16/5/2015 phát nổ trước cửa một tòa nhà chính phủ ở thành phố Ramadi, Iraq.
Những chiếc xe “vô tình” bị biến thành kẻ giết người
Chủng loại xe đánh bom của bọn khủng bố rất đa dạng. Từ xe bọc thép chở quân đến xe bán tải, xe chở dầu, xe hơi… mà bọn chúng cướp được sẽ trở thành các quả bom di động dưới bàn tay phù thủy của các “nhân viên chế tạo bom xe”.
Nhồi hàng tấn thuốc nổ vào bên trong, sau đó hàn lồng thép xung quanh để tăng khả năng bảo vệ. Đơn giản và nhanh chóng! Với những đặc tính cơ bản như dễ điều khiển, khó ngăn chặn, sức công phá lớn… những chiếc xe vô hại bị biến thành các quả bom di động liều lĩnh đáng sợ.
Trong lúc chiến đấu, nếu chạm trán một điểm phòng thủ quá chắc chắn, không thể xuyên thủng bằng phương pháp thông thường, IS lập tức huy động những kẻ tấn công liều chết lái một chiếc xe bom lao thẳng vào hàng ngũ đối phương, phá tan thế trận phòng vệ chỉ trong tích tắc.
Những chiếc xe bom liều lĩnh trở thành trợ thủ đắc lực cho IS khi không thể xuyên thủng phòng tuyến đối phương bằng những phương pháp thông thường. Ngay lập tức, thế trận phòng vệ của đối thủ sẽ bị phá vỡ chỉ trong tích tắc.
Một chuyên gia quân sự người Iraq từng đánh giá về những chiếc xe đánh bom liều chết như sau: Chúng có thể “chống chịu cả súng máy hạng nặng 12,7mm, thậm chí vẫn nguyên vẹn trước đạn súng phản lực chống tăng vác vai RPG”. Trong khi đó, khả năng gây sát thương của những chiếc xe bom mới thực sự “đáng nể”.
Với khối lượng lớn thuốc nổ được nhồi trong xe, nó có thể gây sát thương cho mục tiêu ở cách xa tới 50m. Còn nữa, thiệt hại từ bom xe di động còn “lớn hơn nhiều so với một quả bom nửa tấn do máy bay phản lực ném xuống”, một chuyên gia khác nhận xét. Thậm chí, ông còn cho rằng, chúng chẳng khác gì “không quân trên bộ” của tổ chức khủng bố IS (?).
Vì thế, không ngoa khi nói rằng, nếu xem lại đoạn băng ghi cảnh lực lượng IS sử dụng bom xe tấn công thị trấn Kobani ở phía bắc Syria, hay ở nhiều mặt trận khác, có thể thấy những nhân chứng ở cách xa hàng km vẫn có thể quan sát vụ nổ một cách dễ dàng.
Một chiếc xe bom mà quân đội Iraq thu giữ được ở thành phố Tikrit hồi năm ngoái
Ngược dòng lịch sử bom xe
Do khó kiểm soát, khó bị phát hiện, khó ngăn chặn, nên những chiếc bom xe di động đặc biệt gieo rắc nỗi kinh hoàng trong dân chúng. Tuy nhiên, cho đến nay các chuyên gia quân sự vẫn chưa rõ ai là người sáng chế ra loại vũ khí có khả năng giết người cũng như gây thiệt hại về cơ sở vật chất lớn như bom xe.
Được biết, khoảng năm 1800, có kẻ đã chất đầy thuốc nổ lên những cỗ xe ngựa nhằm thực hiện âm mưu ám sát Hoàng đế Napoleon tại Paris, Pháp. Hay Lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) trước đây cũng sử dụng chiến thuật đánh bom xe tự sát trong các cuộc càn quét của đơn vị bộ binh.
Song theo tác giả Mike Davis, nhà nghiên cứu lịch sử hình thành bom xe, nếu như các cuộc tấn công bằng bom xe của quân Tamil thường diễn ra đơn lẻ với mục đích “dọn đường” mở đầu cuộc chiến, thì IS lại là những kẻ đã nâng bom xe lên một… tầm cao mới. Giáo sư Andrew Terrill tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Quân đội Mỹ cũng từng cho rằng, những chiếc xe bom cải tiến (SVBIED) được sử dụng lần đầu tiên có lẽ là trong các chiến dịch của IS trên mặt trận Iraq.
Ngược dòng lịch sử, vào ngày 19/4/1955, một vụ đánh bom xe kinh hoàng nhằm vào tòa nhà liên bang Alfred P. Murrah tại trung tâm thành phố Oklahoma (Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của 168 người và khiến hơn 680 người bị thương. Đây là vụ tấn công gây ra thiệt hại lớn nhất tại Mỹ cho đến khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001.
Vụ đánh bom xe ở Oklahoma đã phá huỷ hoặc bị hư hỏng 324 tòa nhà trong vòng bán kính 16 khối phố, phá hủy hoặc bị đốt cháy 86 xe ô tô, và tan vỡ thủy tinh trong 258 tòa nhà gần đó. Quả bom tự chế trong vụ này chứa 2.200kg ammoni nitrat và dầu, đặt trong một chiếc xe tải thuê, và đã được tính toán để có thể gây ra một giá trị thiệt hại tới 652 triệu USD tại thời điểm đó.
Đến năm 2015, trong cuộc tấn công thành phố Ramadi, lực lượng IS đã sử dụng 12 xe bom mà theo ước tính của một quan chức ngoại giao Mỹ, lượng thuốc nổ của chúng có sức công phá tương đương vụ đánh bom tại Oklahoma kể trên.
Rõ ràng, các tay súng IS - những kẻ khủng bố tàn bạo nhất hiện nay - có thể không phải là những kẻ đầu tiên phát minh ra bom tự sát đặt trên xe di động song dường như chúng biết cách sử dụng một cách “hiệu quả” hơn khi đánh vào nỗi sợ tâm lý của người dân theo đúng phương châm… tàn ác vô nhân đạo của tổ chức này.
Mời độc giả theo dõi tiếp câu chuyện Đánh bom xe tải tại Nice: Những con Sói đã bước qua thời “đơn độc”? (P.2) trên báo Công lý điện tử vào ngày 16/7/2016.