Đảng viên không can thiệp vào quyền và hoạt động tư pháp

Chính Tâm| 15/12/2021 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, một trong hai Điều cấm hoàn toàn mới đó là đảng viên không được can thiệp, tác động vào hoạt động tư pháp. Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW ban hành mới đây đã nói rõ hơn về nội dung này.

Tại Điều 13, Quy định 37 nêu rõ: đảng viên không được “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.

Theo Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) ban hành ngày 29/11 vừa qua, Điều 13 được hiểu đầy đủ như sau:

Đảng viên không được:

1. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ các quy định (quy trình, thủ tục, phương pháp nghiệp vụ) để làm thay đổi, sai lệch kết luận, kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Tham mưu, đề xuất, quyết định giảm trách nhiệm, giảm án, giảm tội, bỏ lọt tội phạm, giảm hình phạt, mức phạt, mức bồi thường vật chất, thời gian thi hành, chấp hành án, xét ân xá... cho người khác không đúng quy định.

3. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam, tha...) trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.

4. Thay đổi, kéo dài thời hạn, thời gian kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý vi phạm mà không có lý do chính đáng; sử dụng kết luận, biên bản và các thông tin có liên quan không có trong quy trình, quy định để gây áp lực, vòi vĩnh tổ chức, cá nhân dưới mọi hình thức. Tạm giữ tiền, tài sản không đúng quy định.

5. Chậm giải quyết hoặc không giải quyết đơn thư khiếu nại, tổ cáo, khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, tin báo tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật; bao che, tiếp tay, dung túng hoặc không xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Có hành vi chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

dang-vien-khong-can-thiep-hoat-dong-tu-phap1.jpg
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp

Sở dĩ Việt Nam không có sự phân chia quyền lực, vì vậy quyền tư pháp và cơ quan tư pháp có nhiều điểm đặc thù so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước Hiến pháp 2013, chưa có một văn bản pháp luật quy định cơ quan tư pháp gồm những cơ quan nào, điều này chỉ được thể hiện qua chủ trương của Đảng nêu trong các Nghị quyết về cải cách tư pháp và thông qua cách thức tổ chức bộ máy nhà nước cùng với các hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08-NQ/TW) lần đầu tiên tiếp cận khái niệm tư pháp và cơ quan tư pháp dưới góc độ đường lối chính sách của Đảng về công tác tư pháp. Theo đó, nội dung của công tác tư pháp và cơ quan tư pháp có phạm vi rất rộng, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án.

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49-NQ/TW) tiếp tục chỉ ra hệ thống các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là Tòa án nhân dân thực hiện quyền xét xử; Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; các cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra trong tố tụng hình sự và các cơ quan thi hành án.

Ngoài những cơ quan tư pháp kể trên, Nghị quyết 08-NQ/TW đề cập đến hoạt động luật sư, cảnh sát tư pháp, tổ chức giám định, hoạt động công chứng, thống kê tư pháp với tư cách là các hoạt động bổ trợ tư pháp; Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp này như một hoạt động quan trọng trong công tác tư pháp và hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp là một khâu quan trọng trong công tác cải cách tư pháp.

Như vậy, theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, các cơ quan tư pháp của Việt Nam gồm cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án. Theo đó công tác tư pháp hay hoạt động tư pháp gồm hoạt động điều tra, hoạt động truy tố, hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án. Nếu ở nhiều nước, “Tư pháp” là xét xử và cơ quan tư pháp là Tòa án, thì ở Việt Nam, “Tư pháp” được hiểu theo nghĩa rộng, là sự trộn lẫn toàn bộ hoạt động bảo vệ pháp luật, trong đó hoạt động xét xử của Tòa án là trung tâm. Ngoài ra, còn có các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp. 

Khoản 2, Điều 102, Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Với quy định này, lần đầu tiên trong Hiến pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam được khẳng định là Tòa án nhân dân, theo đó, quyền tư pháp được hiểu là quyền xét xử.

Như vậy quy định cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án không phải là điều mới mà đã được hiến định và được pháp luật cấm. Tòa án độc lập xét xử là một trong những đặc điểm của nhà nước pháp quyền. Tính độc lập của toà án thể hiện ở việc Tòa án phải có quyền quyết định các vụ việc một cách vô tư, không thiên vị, dựa trên bản chất của sự việc và theo luật pháp mà không chịu bất kỳ sự hạn chế, tác động hay ảnh hưởng nào không phù hợp, hoặc sự dụ dỗ, sức ép, đe doạ hay can thiệp sai trái, một cách trực tiếp hay gián tiếp, từ bất kỳ chủ thể nào, dựa trên bất kỳ lý do nào. Nguyên tắc độc lập của Tòa án cũng đòi hỏi không một chủ thể nào được can thiệp một cách vô cớ hay không thoả đáng vào quá trình xét xử, cũng như được xét lại các phán quyết của Toà án. Chỉ có các Tòa án cấp trên mới có quyền xét lại các phán quyết của tòa án cấp dưới theo trình tự tố tụng quy định trong pháp luật.

Trên thực tế, nếu hoạt động tư pháp bị can thiệp bởi cá nhân nào đó sẽ làm cho tính độc lập mất đi và mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền sẽ gặp khó khăn. Vì thế, Trung ương đưa nội dung này vào những điều đảng viên không được làm là hướng đến giáo dục, nhắc nhở mọi đảng viên nhớ để thực hiện. Đồng thời tạo cơ chế giám sát giữa các đảng viên với nhau, cũng như cơ chế giám sát của người dân với các đảng viên.

Cũng tại Điều 13, nghiêm cấm đảng viên can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, bởi thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc “chạy án”, “chạy tội”, tạo áp lực rất lớn cho hoạt động kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử. Hay không ít cá nhân đã có hành vi tác động đến tổ chức, cá nhân nhằm giảm các tình tiết phạm tội.

Việc đưa nội dung không can thiệp hoạt động tư pháp vào 19 điều đảng viên không được làm để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật; là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên, nhằm kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng viên không can thiệp vào quyền và hoạt động tư pháp