Là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2012, thế nhưng nhiều năm qua người dân xã Long Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vẫn phải “oằn mình” với các khoản đóng góp ở địa phương.
Theo phản ánh của người dân xã Long Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2012, thay vì người dân được “nghỉ ngơi” (vì trước đó địa phương đã huy động đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã nhà) thì suốt nhiều năm qua, người dân nơi đây vẫn phải “oằn mình” với nhiều khoản đóng góp.
Bà Nguyễn Thị T. trú ở xóm Văn Trai bức xúc nói: “Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn phải đóng góp các khoản như: Thu đóng góp xây dựng tu sửa các công trình phúc lợi: 100.000 đồng/lao động/ năm, hay thu nghĩa vụ giao thông nông thôn: 80.000 đồng/lao động/năm…Trong khi đó các xã khác đều không thu các khoản này nữa. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng địa phương năm nào cũng thu như vậy dân chịu sao nỗi?”.
UBND xã Long Thành nơi người dân phản ánh nhiều khoản đóng góp ở mức cao nhiều năm qua.
Theo tìm hiểu của PV, ở xóm Văn Trai 6, đối với khoản thu nghĩa vụ giao thông nông thôn, ngoài phần thu của xã là 80.000 đồng/lao động/năm thì ở xóm, người dân lại tiếp tục phải đóng góp với khoản: Thu làm đường bê tông: 138.000đồng/1khẩu. Phải chăng người dân nơi đây đang phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” suốt nhiều năm qua mà không biết kêu ai.
Theo đó, ngoài các khoản thu hiện nay theo quy định của Nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải sử dụng biên lai thu tiền theo quy định tại Quyết định số 94/2005/QDD-BTC ngày 12/12/2005 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán ngân sách tài chính xã; Thông tư số 146/2011/TT-BTC ngày 26/10/2011 Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán Ngân sách xã và Tài chính xã ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005 của Bộ Tài chính và các văn bản hiện hành.
Dù xã đã về đích Nông thôn mới từ năm 2012, nhưng nhiều năm qua người dân vẫn phải đóng góp các khoản ở mức cao mà không được “nghỉ ngơi”.
Việc tổ chức huy động, vận động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn, phải thực hiện theo đúng quy trình và quy định tại Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH ngày 05/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ; Thông tư số 85/1999/TT-BTC ngày 07/7/1999 của Bộ Tài chính về việc ban hành, hướng dẫn Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn; Chỉ thị 15- CT/TU ngày 20/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An;
Kế hoạch số 358/KH- UBND ngày 05/6/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị 15CT/TU ngày 20/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các loại quỹ và các khoản huy động đóng góp của nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng của xã phải được sử dụng đúng mục đích huy động, các khoản đóng góp cho công trình nào phải đầu tư cho công trình đó.
Quy định là vậy, tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, hiện nay không chỉ xã Long Thành mà ở nhiều địa phương khác, một số xã tổ chức huy động các khoản đóng góp của nhân dân không đúng theo quy định. Một số khoản thu HĐND các xã ban hành Nghị quyết không đúng thẩm quyền, một số nơi vẫn còn những khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở mức cao, sử dụng sai mục đích, một số khoản huy động mang tính chất xã hội từ thiện, phải vận động đóng góp tự nguyện, nhưng lại quy định mang tính bắt buộc.
PV đặt vấn đề về việc, “Tại sao các khoản huy động, vận động đóng góp từ nhân dân nhưng địa phương lại thu như những khoản “cứng” trong nhiều năm nay và thu theo kiểu “cào bằng” như vậy”? Ông Doãn Ngọc Hà – Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết: “Việc huy động đóng góp từ nhân dân được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Nhà nước và có họp dân xin ý kiến nhân dân đầy đủ”.
Ngoài khoản thu “nghĩa vụ giao thông nông thôn” ở xã thì ở xóm dân tiếp tục đóng góp khoản thu “làm đường bê tông”.
Dù nói là vậy, nhưng ông Hà cũng thừa nhận khi thực hiện cũng có cái sai và cho biết: “Từ năm sau địa phương sẽ không thu hai khoản đóng góp này từ dân nữa”.
Thiết nghĩ, chủ trương huy động đóng góp từ nhân dân để Nhà nước và nhân dân cùng làm là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, việc huy động, vận động phải phù hợp với sức dân, tránh gây bức xúc trong nhân dân. Và hơn hết, người dân cần được “nghỉ ngơi” sau thời gian dài phải đóng góp.