Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự

Luật sư Đặng Hoài Vũ| 09/11/2021 07:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/1946 – 9/11/2021), Luật sư Đặng Hoài Vũ, Trưởng văn phòng Luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh có chia sẻ về vấn đề: “Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự”.

luat-su-vu.jpg
Luật sư Đặng Hoài Vũ, Trưởng văn phòng Luật sư Đặng Hoài Vũ, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại hai hệ thống tố tụng là tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn (xét hỏi). Theo đó, tố tụng tranh tụng tồn tại ở các quốc gia theo hệ thống thông luật là Anh, Mỹ, Úc,…Theo mô hình tố tụng tranh tụng này thì Tòa án là người đứng giữa tạo điều kiện đảm bảo cho bên buộc tội (Công tố viên) và bên gỡ tội (Luật sư) trình bày các tài liệu, chứng cứ, tranh luận với nhau nhằm làm rõ sự thật khách quan, Tòa án đóng vai trò trung lập sau khi xem xét, đánh giá toàn diện các chứng cứ do hai bên trình bày sẽ ra một phán quyết công tâm, khách quan.

Bên cạnh đó, ngay sau khi bị tình nghi bắt giữ thì họ được quyền mời người bào chữa, họ có quyền không khai bất cứ điều gì cho đến khi có người bào chữa. Đi kèm với mô hình tố tụng tranh tụng là nguyên tắc suy đoán vô tội, bên buộc tội buộc phải chứng minh hành vi của bị cáo cấu thành tội phạm, việc thu thập chứng cứ phải tuân theo quy trình, đảm bảo tính hợp pháp, khách quan, có liên quan của chứng cứ. Do đó, trong mô hình tố tụng này thì quyền con người được đề cao và đảm bảo một cách tốt nhất.

Còn đối với mô hình tố tụng thẩm vấn tồn tại ở các quốc gia theo hệ thống dân luật như Pháp, Đức,... Trong mô hình này, thì Tòa án và Công tố viên đóng vai trò chính yếu trong việc chứng minh vụ án, Luật sư chỉ đóng vai trò thứ yếu. Việc đảm bảo thu thập tài liệu chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Tòa án của Luật sư không được coi trọng, khi ra Tòa các bên không được đưa thêm và phản đối các chứng cứ trong giai đoạn điều tra, truy tố. Khi ra xét xử thì Thẩm phán điều hành và trực tiếp thẩm vấn, Công tố viên và Luật sư không được hỏi để làm rõ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, sau khi Thẩm phán hỏi thì Luật sư tranh luận. Việc có mặt của Luật sư kể từ khi có quyết định tạm giữ. Nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền im lặng không được coi trọng đúng mức.

Kể từ khi BLTTHS đầu tiên của nước ta ra đời năm 1988, trải qua các lần sửa đổi bổ sung tới Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cơ bản nước ta đi theo con đường mô hình tố tụng thẩm vấn, cũng như mô hình tố tụng thẩm vấn chung của các quốc gia khác trên thế giới thì tới thời điểm hiện tại mô hình này bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định.

Cùng với đó trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển, coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Nhằm xác định, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Nhà nước ta đã ban hành Hiến pháp năm 2013 ghi nhận về một số quyền con người và đảm bảo quyền con người. Đặc biệt việc đảm bảo quyền con người trong tố tụng đã chính thức ghi nhận minh thị tại Khoản 5, Điều 103 “5. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.”, là tiền đề cho việc ra đời của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ra đời chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 đã có những sự thay đổi tiến bộ, phù hợp, tiến gần đến mô hình tố tụng tranh tụng của các quốc gia theo hệ thống thông luật. Nguyên tắc tranh tụng được thể hiện tại Điều 26 BLTTHS năm 2015 như sau:

Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.”

Nhằm làm rõ nội hàm nguyên tắc tranh tụng nêu trên, nhà làm luật đã xây dựng cụ thể thành các nội dung sau:

Về sự có mặt của Luật sư: Quyền bào chữa xuất hiện từ khi người bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, có quyết định tạm giữ hoặc từ khi khởi tố bị can. Quyền bào chữa kết thúc khi vụ án được xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật hoặc khi vụ án bị đình chỉ.

Điều 16 BLTTHS năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội như sau: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Theo đó, Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (điểm đ, khoản 1, Điều 4 BLTTHS). Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp cũng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (điểm g khoản 1 Điều 58 BLTTHS).

Về sự có mặt của người bào chữa tại phiên toà được quy định theo hướng trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử (Điều 291).

Thay đổi cách quy định về tên Chương trong BLTTHS: Nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm việc tranh tụng không chỉ thể hiện ở phần tranh luận mà còn được thể hiện ngay trong phần xét hỏi. BLTTHS năm 2015 đã nhập thủ tục xét hỏi tại phiên tòa với thủ tục tranh luận tại phiên tòa (Chương XX và Chương XXI của BLTTHS năm 2003) thành “Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa” (Mục V Chương XXI - Xét xử sơ thẩm).

Về vấn đề xét hỏi tại phiên tòa: BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi (Điều 307). Đồng thời, Bộ luật còn bổ sung quy định khi được Chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác, hỏi người làm chứng, hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến bị cáo (các Điều 309, 310 và 311).

Đảm bảo quyền tranh tụng tại phiên tòa của Luật sư: Để có cơ sở tranh luận dân chủ tại phiên tòa, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Hội đồng xét xử là phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án (Điều 322).

Về việc đưa ra tài liệu chứng cứ: Việc đưa ra chứng cứ được bảo đảm trong suốt quá trình tố tụng, được ghi nhận thành một quyền của người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, đặc biệt trước khi mở phiên Tòa (Điều 279) quy định rõ trách nhiệm của Tòa án đối với việc giải quyết yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa, bảo đảm phiên tòa có đầy đủ các chủ thể tố tụng, các chứng cứ, tài liệu, đồ vật được đưa đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp và quyền đưa ra tài liệu chứng cứ ngay tại phiên tòa (Điều 322).

Vai trò của Hội đồng xét xử: Hội đồng xét xử đóng vai trò trung tâm trong việc đánh giá ý kiến buộc tội và gỡ tội giữa Kiểm sát viên và Luật sư, và khi tuyên án phải căn cứ vào kết quả thẩm vấn, tranh tụng và những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, theo đó bổ sung yêu cầu đối với bản án sơ thẩm là phải rõ ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra; phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Điều 260).

Bảo đảm tranh tụng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự: ngoài quy định thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm. Bộ luật còn bổ sung quy định Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.

Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị (khoản 2 Điều 354).Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.

Những thay đổi trên đây góp phần tạo ra một cơ chế thực sự dân chủ và bình đẳng tại phiên tòa, tạo điều kiện để thực hiện một cách có hiệu quả nhất quyền buộc tội và gỡ tội tại phiên tòa, giúp hạn chế oan, sai trong tố tụng. Từ đó đảm bảo việc thực hiện tốt hơn quyền con người và nâng cao vị thế của Luật sư trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự