Tòa án luôn tạo điều kiện tối đa để luật sư tranh tụng tại phiên tòa

Mai Thoa| 06/11/2020 19:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phần chất vấn tại hội trường chiều nay 6/11, các đại biểu đề cập đến thực trạng thi hành án hành chính khó khăn; các quyền được bào chữa, tranh tụng của luật sư trong quá trình tố tụng…

Liên quan các vấn đề trên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đăng đàn trả lời.

Tòa án luôn tạo điều kiện tối đa để Luật sư tranh tụng

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn về việc, làm thế nào để cho luật sư thực sự được thực hiện quyền theo pháp luật mà không bị cản trở trong quá trình tố tụng?

202011051754531265_luu-binh-nhuong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-ben-tre-2-.jpg
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng- Bến Tre chất vấn tại Quốc hội

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Về chủ trương chung và trong thực tiễn thì các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong quá trình điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, ngày 10/10/2019 Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 46 quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc trong quyết định truy nã; người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, trong đó đã quy định các biện pháp rất cụ thể để thực hiện các quy định nêu trên, tạo điều kiện cho luật sư tham gia.

Trong năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp 3.765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng 2,42% và 7.156 giấy chứng nhận bào chữa cấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tăng 17,08%.

Về vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, tranh tụng được xem là giải pháp đột phá trong cải cách tư pháp mà Tòa án đã và đang thực hiện. Tòa án không phải là chủ thể trong quá trình tranh tụng tại Tòa án, mà trong giải quyết vụ án hình sự thì chủ thể tranh tụng là luật sư và VKS, còn trong vụ án dân sự thì bên nguyên đơn và bị đơn là hai chủ thể tranh tụng.

Tòa án có nhiệm vụ tạo môi trường thuận lợi để các bên tranh tụng. Trên thực tế, TANDTC cũng đã có chỉ thị và chỉ đạo trên toàn hệ thống, không hạn chế thời gian tranh tụng nếu luật sư còn tiếp tục nêu. Tất cả các vấn đề được nêu ra trong quá trình tranh tụng đều phải được giải quyết trong phiên tòa; HĐXX chỉ được tuyên án khi kiểm tra chứng cứ công khai tại phiên tòa... Vậy nên các phiên tòa, Chủ tọa đều tạo điều kiện tối đa để các luật sư trình bày quan điểm của mình. Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng, Chánh án khẳng định.

202011061118511615_chanh-an-toa-an-nhan-dan-toi-cao-nguyen-hoa-binh-2-.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Liên quan đến câu hỏi của ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn về tình trạng không chấp hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án có chiều hướng tăng. Năm 2020 tỷ lệ thi hành án hành chính là 43,73%. Vậy giải pháp của Chánh án như thế nào để đảm bảo cho tính nghiêm minh của pháp luật?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, thi hành án hành chính không thuộc trách nhiệm của Tòa án. Thi hành án hình sự, sau khi có bản án trách nhiệm thuộc về Bộ Công an. Thi hành án dân sự, trách nhiệm thuộc về Bộ Tư pháp, còn thi hành án hành chính hiện nay phụ thuộc các bên trong vụ kiện. Chính vì không có cơ quan thứ ba làm trung gian thực hiện nên không có cưỡng chế hành chính, dễ dẫn đến tùy nghi.

Chính vì lý do này mà hiện nay tỷ lệ thi hành án hành chính thấp, Quốc hội cần có tổng kết và các giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này.

Về trách nhiệm của Tòa án, hiện nay 100% bản án hành chính đã ra quyết định thi hành đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể về thi hành án hành chính, Tòa án đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của mình; tất cả các bản án hành chính ban hành đều đã ra quyết định thi hành án đầy đủ. Trong vòng 01 năm nếu như các cơ quan, UBND không thi hành các bản thì Tòa án ra quyết định buộc thi hành. Còn thi hành kỷ luật các cơ quan hành chính không thi hành các bản án thì không thuộc trách nhiệm của Tòa án, Chánh án khẳng định.

Chưa có hướng dẫn về xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Trước đó, ĐB Nguyễn Văn Hiển - Lâm Đồng đã chất vấn Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí một số nội dung liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Theo ĐB, Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, với 3.093 tổ chức vi phạm, trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ pháp nhân vi phạm nào.

202006162307328580_nguyen-van-hien-doan-dbqh-tinh-lam-dong-3-copy.jpg
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển- Lâm Đồng chất vấn tại Quốc hội

Vậy đề nghị Viện trưởng cho biết nguyên nhân vì sao? Do hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, do bất cập của Bộ luật Hình sự hiện hành, hay do năng lực của cơ quan phòng chống tội phạm?

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho hay, tội phạm về môi trường nhiều mà chưa xử lý được pháp nhân nào cũng là câu hỏi mà cơ quan thực thi pháp luật phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, không phải hành vi nào vi phạm về môi trường nào chúng ta cũng xử lý hình sự, mà phụ thuộc vào mức độ định lượng gây ra ô nhiễm môi trường như thế nào thì chúng ta mới xử lý hình sự. Có những hành vi luật quy định phải xử lý hành chính rồi mà vẫn vi phạm tiếp thì mới xử lý hình sự.

Tiếp đến là có những sai phạm do cá nhân hoặc cá nhân núp bóng pháp nhân thực hiện. Vậy xử lý cá nhân gíam đốc hay pháp nhân và căn cứ cụ thể để truy tố pháp nhân này như thế nào là cả một vấn đề lớn. Đây là vấn đề mới, chúng ta phải tính toán về tính khả thi. Vì vậy cần phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Hiện nay, cán bộ thực thi xử lý vấn đề này cũng đang lúng túng, nếu cố gắng sợ là sẽ gây oan sai. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải chỉ đạo các cơ quan chức năng có lộ trình nghiên cứu, đề xuất, xác định nguyên nhân chính của việc không khả thi này để có biện pháp khắc phục, trong đó có cả nguyên nhân của việc hướng dẫn pháp luật, cả nguyên nhân thực thi pháp luật, Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ.

.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án luôn tạo điều kiện tối đa để luật sư tranh tụng tại phiên tòa