Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Tòa án đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Mai Thoa| 06/11/2020 12:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 6/11, trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn của các cơ quan liên quan.

Một số nội dung lĩnh vực Tòa án, Kiểm sát cần lưu ý

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên quan tới 20 lĩnh vực được nêu trong 06 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 06 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 01 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 02 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIII.

202011060928376333_tong-thu-ky-quoc-hoi-chu-nhiem-van-phong-quoc-hoi-nguyen-hanh-phuc-2-.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Trong đó có các nội dung đáng chú ý như thuộc các lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, Thanh tra, Tòa án, VKS…

Theo đó, lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, hệ thống quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, đấu tranh với các loại hình tội phạm được hoàn thiện. Công tác phòng, chống oan sai trong hoạt động điều tra hình sự được quan tâm. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tiếp tục được tăng cường; tội phạm mua bán người giảm theo từng năm. Hoạt động có tính chất “tín dụng đen” được giám sát; hoạt động có tính chất “xã hội đen”, “bảo kê” vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm. Nhiều giải pháp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai. An ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh mạng được bảo đảm. Tổ chức bộ máy lực lượng công an nhân dân được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, tội phạm về “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, mua bán người, ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Việc phát hiện và xử lý tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em còn thấp so với thực tế. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố hằng năm chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn một số vụ, việc oan, sai yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết….

Lĩnh vực thanh tra cũng cho thấy còn nhiều bất cập, đó là: việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm và chưa tương xứng với các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện. Việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có Bộ tiêu chí cụ thể; nhiều tiêu chí trong Bộ chỉ số đánh giá tại các địa phương còn chưa rõ ràng. Chưa ban hành kịp thời quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Việc sửa đổi, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo chưa kịp thời. Vẫn còn vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài đang được tiếp tục rà soát, giải quyết.

Về lĩnh vực Tòa án, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Công tác xét xử, tranh tụng tại phiên tòa có nhiều đổi mới. Tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự được đẩy mạnh.

Đặc biệt, việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được tích cực triển khai. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng được khẩn trương đưa ra xét xử. Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành công đạt cao; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa giảm. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết tăng, chất lượng giải quyết tiếp tục được bảo đảm. Đã ban hành “Bộ Quy tắc về chuẩn mực đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án đang trong quá trình giải quyết; còn một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chưa chính xác; một số vụ án để quá hạn luật định; một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, khó thi hành; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đạt yêu cầu.

Với lĩnh vực Kiểm sát, báo cáo nhận định: Vẫn còn trường hợp bị can bị oan phải đình chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong một số vụ việc tồn đọng, kéo dài thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát vẫn còn chưa được giải quyết dứt điểm. Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong một số vụ án chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Quy trình nghiệp vụ đầy đủ đối với hoạt động truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em chưa được ban hành…

6 giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ

Trong phiên chất vấn buổi sáng, có ba nội dung dành cho Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình là về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng tranh tụng tại Tòa án và vấn đề đạo đức công vụ.

27-10-2020_02-26-54_chanh-an-toa-an-nhan-dan-toi-cao-nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn các ĐBQH

Các ĐB nhận định, công tác Tòa án thời gian qua có những thay đổi đáng ghi nhận về chất lượng xét xử và các mặt công tác khác. Trong nhiều yếu tố thì chất lượng cán bộ là điều cốt yếu, vậy nên đề nghị Chánh án cho biết các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ như thế nào?

Trả lời chất vấn, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc nâng cao chất lượng cán bộ đặc biệt là cán bộ tư pháp là trọng tâm của Tòa án, đồng thời khẳng định, Tòa án đã và đang tập trung thực hiện hiệu quả vào 7 nhóm giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo của Tòa án, đặc biệt là Học viện Tòa án để đảm bảo đầu vào.

Hai là, tổ chức kỳ thi đầu vào quốc gia chặt chẽ và thực chất để tuyển cán bộ thực sự có năng lực.

Ba là, quy định đào tạo bắt buộc cho các Thẩm phán. Hằng năm, mỗi thẩm phán phải có một thời gian bắt buộc phải đào tạo bổ sung.

Bốn là, tổ chức hằng tháng định kỳ đào tạo, bồi dưỡng qua hệ thống truyền hình trực tuyến, với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong và ngoài nước. Hàng tháng chúng tôi đều có sự tham gia của hơn 10.000 cán bộ trong toàn hệ thống.

Năm là, định kỳ hằng quý tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa Tối cao với tất cả các Thẩm phán toàn quốc để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, qua đó nâng cao chất lượng của Thẩm phán.

Sáu là, yêu cầu bắt buộc tất cả các Thẩm phán toàn quốc phải có mỗi năm ít nhất có một vụ án điểm, trực tiếp chủ trì để rút kinh nghiệm. Qua đây là bài học thực tiễn để tự đào tạo. Đây là những giải pháp của Tòa án để nâng cao chất lượng.

Bảy là, tất cả các kỳ thi thẩm phán sơ cấp, trung cấp, thi nâng ngạch, muốn được bổ nhiệm là thẩm phán sơ cấp, trung cấp hay cao cấp đều phải qua kỳ thi quốc gia một cách thực chất và chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành trong kỳ thi này

Trước đó, trong phần trình bày báo cáo công tác trước Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay: Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động trong Tòa án nhân dân. Theo đó, định kỳ hàng tháng các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao sẽ trực tiếp tập huấn trực tuyến theo chuyên đề cụ thể cho toàn thể đội ngũ Thẩm phán và công chức có chức danh tư pháp trong toàn hệ thống qua hệ thống truyền hình trực tuyến; tập trung vào các quy định mới của pháp luật cũng như các hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Tòa án đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ