Thành phố Gia Nghĩa, đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, cùng chung tay với các cấp chính quyền của thành phố chống dịch, lực lượng giáo viên không quản ngày đêm cùng với những bếp ăn liên tục đỏ lửa để phục vụ những bữa ăn cho những chiến sỹ làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu.
Những bếp lửa của các thầy, cô phòng GD&ĐT thành phố
Kể từ khi Tp.Gia Nghĩa (Đắk Nông), thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, trên địa bàn có tất cả 07 bếp ăn thường xuyên đỏ lửa để nấu những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng để tiếp thêm năng lượng, phục vụ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vậy nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những bếp ăn đó là tấm chân tình, sự đóng góp lặng lẽ của tất cả các giáo viên trên địa bàn Tp. Gia Nghĩa. Không ai bảo ai, cứ thế những thầy, cô tự đóng góp tiền, thực phẩm gia đình có để nấu những suất cơm cho các điểm chốt và những tuyến đầu chống dịch.
Cô Phạm Thị Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Tp. Gia Nghĩa cho biết, ngay từ khi bắt đầu thực hiện theo quyết định giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 thì bản thân cô đã suy nghĩ rất nhiều. Trong khi, tất cả các ban ngành khác cùng chung tay chống dịch, nghĩ đến ngành mình, các thầy cô giáo đang nghỉ hè, nguồn nhân lực dồi dào nên cô đã ra việc kêu gọi mọi người trong ngành chung tay nấu ăn phục vụ cho các tuyến đầu chống dịch.
“Lúc đó, tôi suy nghĩ cần phải làm gì đó để chung tay cùng với các cấp chính quyền đẩy lùi dịch bệnh và tôi đã nảy sinh ra ý tưởng sẽ nấu cơm cho chốt kiểm dịch và những lực lượng tuyến đầu. Lúc đầu, là các cán bộ, nhân viên trong phòng giáo dục mỗi ngày nấu vài chục suất cơm/ngày. Thế nhưng, chỉ sau đúng 01 ngày đỏ lửa thì suất cơm liên tục tăng. Các thầy, cô phải phân chia nhau ra để phục vụ việc nấu ăn hàng ngày, hiện tại phục vụ hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày với chi phí vài chục triệu mỗi ngày”.
Được biết, để có tiền mua gạo và các nhu yếu phẩm để phục vụ nấu ăn, bản thân vị Trưởng phòng giáo dục đã dùng tiền cá nhân của mình, chuyển cho các điểm mua gạo, mắm. Các cô tại các điểm nấu ăn, tự đóng góp và huy động các phụ huynh trong trường để đóng góp thêm để cùng nhau hỗ trợ cho các điểm chốt. Thời điểm hiện tại, các mạnh thường quân cũng liên tục hỗ trợ, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vậy nên, để đủ kinh phí duy trì bếp ăn để phục vụ tuyến đầu chống dịch trên thành phố là vô cùng khó khăn.
Đến nay, mỗi ngày có hơn 1.000 suất cơm. Chi phí cho mỗi ngày cũng tầm 30 đến 40 triệu đồng. Đó là một số tiền rất lớn đối với các giáo viên, nhưng chính vì những việc làm ý nghĩa này mà ngày càng có nhiều mạnh thường quân chung tay, đóng góp.
“Nếu tiếp tục nhận được đóp góp của các tổ chức, cá nhân nhiều hơn nữa, chúng tôi sẽ mở rộng số lượng suất cơm. Những việc làm nhỏ của các thầy cô giáo, chỉ mong đóng góp được một phần nào đó cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn toàn thành phố”, cô Hà nhấn mạnh.
Báo Công lý hỗ trợ chống dịch
Chung tay với thành phố trong công tác phòng chống dịch, với tinh thần tương thân tương ái, Báo Công lý đã kêu gọi được 400kg gạo, 1 tấn củ cải và 4.1 triệu đồng tiền mặt. Hy vọng, với những đóng góp nhỏ bé của Báo Công lý sẽ phần nào đó, giúp địa phương nhanh chóng chiến thắng dịch Covid.
Qua đây, Báo Công lý cũng chân thành gửi lời cảm ơn đến các cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã đồng hành cùng với Báo Công lý để tiếp thêm động lực hỗ trợ tuyến đầu chống dịch đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Tiếp nhận những phần quà này, bà Phạm Thị Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chia sẻ: “Tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến Tòa soạn Báo Công lý đã thấu hiểu và động viên tinh thần đối với chúng tôi. Đây không chỉ là món quà về vật chất mà còn là khích lệ tinh thần rất lớn để toàn thể cán bộ, viên chức trong phòng giáo dục thành phố có thêm sức mạnh để cùng với các cấp chính quyền sớm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân”.