Với 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống, và 38 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngừng hoạt động quân sự tại Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Trong hai ngày 23-24/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine, tập trung vào tình hình nhân đạo.
Ngày 24/3 theo giờ bờ Đông của Mỹ, với 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống, và 38 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngừng các hoạt động quân sự tại Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Nghị quyết do Ukraine đưa ra được hơn 100 nước thành viên Liên hợp quốc bảo trợ là nghị quyết thứ hai được thông qua trong tháng 3 này tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 11 do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức.
Các nước thành viên LHQ hy vọng nghị quyết thứ hai, cùng với nghị quyết thứ nhất thông qua hôm 2/3 vừa qua, sẽ tác động tích cực thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho rằng nghị quyết phản ảnh một chiều những gì đang xảy ra, không đề cập nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng.
Cũng tại phiên họp này, Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc, Sergiy Kyslytsya, đã chia sẻ về tình hình khủng hoảng tại Ukraine và bày tỏ hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ có những hỗ trợ đột phá, kịp thời cho người dân đất nước ông cũng như ngăn ngừa hậu quả khủng hoảng lan ra trên toàn thế giới.
Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ cho biết các nước EU hiện đang để ngỏ biên giới để tiếp nhận những người chạy từ Ukraine sang lánh nạn, bất kể quốc tịch, dân tộc hay tôn giáo.
Đại sứ Ba Lan tại Liên hợp quốc Joanna Skoczek cảnh báo những hậu quả do cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra sẽ không chỉ giới hạn trong nước Ukraine. Hiện khoảng 2,2 triệu người Ukraine đã di cư tới Ba Lan để tránh chiến tranh.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield khẳng định nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế chống lại cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine.
Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 nước thành viên mặc dù không có tính ràng buộc, nhưng có sức nặng về mặt chính trị.
Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc tương tự vào ngày 2/3 yêu cầu Nga ngừng sử dụng vũ lực ngay lập tức, được 141 quốc gia ủng hộ.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), diễn ra ngày 24/3 tại Brussels (Bỉ) đã đồng ý cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, liên minh quân sự sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" đối với Nga và đặc biệt sẽ tăng cường cơ chế phòng thủ.
Các nhà lãnh đạo của khối đã phê duyệt việc triển khai các lực lượng dự bị ở Bulgaria, Romania, Slovakia, bên cạnh các nhóm binh sĩ đã được bố trí ở các nước Baltic và ở Ba Lan. Điều này nâng tổng số quân dự bị đa quốc gia của NATO, từ biển Baltic đến biển Đen, lên 8 nhóm. Ngoài các binh sĩ châu Âu, 100.000 binh sĩ Mỹ cũng được triển khai để hỗ trợ nỗ lực của NATO.
Tổng Thư ký NATO cũng thông báo rằng, các quốc gia đồng minh trong khối đã nhất trí mở rộng hỗ trợ cho Ukraine bằng cách trang bị cho quốc gia này các thiết bị quân sự đáng kể, bao gồm hệ thống phòng không, máy bay không người lái và hệ thống phòng không - xe tăng hiệu quả, cùng với hỗ trợ tài chính đáng kể.
NATO cũng sẽ cung cấp cho Ukraine thiết bị bảo vệ chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học và hạt nhân, đồng thời cũng sẽ bảo vệ các lực lượng được triển khai ở sườn phía Đông trước những mối đe dọa này.
Nga tiếp tục hứng đòn trừng phạt
Ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Theo đó, Nhật Bản bổ sung thêm 25 cá nhân Nga vào danh sách những người bị đóng băng tài sản và cấm xuất khẩu hàng hóa tới 81 tổ chức của Nga.
Trước đó, ngày 24/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết Tokyo sẽ tiến hành các bước để hủy bỏ quy chế thương mại "tối huệ quốc" dành cho Nga và ngăn nước này tránh được các lệnh trừng phạt tài chính bằng cách sử dụng tài sản kỹ thuật số.
Cùng ngày 25/3, Australia cũng đã áp đặt trừng phạt đối với 22 công dân Nga, trong đó có các nhân viên thuộc các tổ chức Russia Today, the Strategic Culture Foundation, InfoRos và NewsFront.
Ngoài ra, Australia còn áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và các thành viên gia đình ông, với lý do Belarus cung cấp hỗ trợ chiến lược cho Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Kinh tế Thụy Sĩ ngày 24/3 thông báo, nước này đã phong tỏa khối tài sản của Nga trị giá khoảng 5,75 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 6,2 tỷ USD) kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Số tiền này bao gồm các quỹ và tài sản của Nga, như bất động sản tại những khu du lịch của Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, theo quan chức trên, số tiền này mới chỉ bị phong tỏa chứ không bị tịch thu và vẫn là tài sản của những cá nhân, pháp nhân liên quan vì không có cơ sở pháp lý cho phép tịch thu tại Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO sẽ không triển khai lực lượng ở Ukraine, mà thực hiện trách nhiệm đảm bảo xung đột không leo thang hơn nữa, gây thêm nguy hiểm và tàn phá.