Cao ủy Nhân quyền Nga, bà Tatyana Moskalkova cho biết Nga và Ukraien đã tiến hành đợt trao đổi tù nhân chiến tranh đầu tiên. Theo đó, 9 quân nhân Nga đã được trả tự do, TASS đưa tin.
Theo TASS, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT ngày 22/3, bà Moskalkova xác nhận: “Đợt trao đổi đầu tiên đã diễn ra. Chúng tôi vừa đón về 9 quân nhân”.
Trước đó, truyền thông dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, hai bên đã nhất trí về việc trao đổi 9 quân nhân Nga với Thị trưởng thành phố Melitopol của Ukraine, ông Ivan Fedorov.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định chỉ đạo tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Tổng thống Putin cho biết, quyết định này nhằm đáp lại yêu cầu của người đứng đầu các nước cộng hòa vùng Donbass; đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Cho tới nay, Nga và Ukraine đã tổ chức 3 vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus nhằm đưa ra các giải pháp để tiến tới chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.
Vòng đàm phán thứ 4 được bắt đầu từ ngày 14/3, theo hình thức trực tuyến. Trợ lý Tổng thống đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết Nga và Ukraine đã đạt được tiến bộ nhất định về một số vấn đề trong vòng đàm phán này, nhưng chưa phải là tất cả.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/3 cho biết một cuộc gặp người đồng cấp Nga Tổng thống Vladimir Putin "theo bất kỳ khuôn khổ nào" là cần thiết để kết thúc cuộc xung đột hiện nay.
Ông Zelensky cũng lưu ý rằng bất kỳ nhượng bộ nào được nhất trí với Nga trong các cuộc đàm phán cũng sẽ cần được người dân Ukraine bỏ phiếu thông qua trong trưng cầu ý dân.
Theo ông, các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân có thể liên quan đến các bảo đảm an ninh mà Ukraine nhận được để từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhấn mạnh sẵn sàng ủng hộ bất ký thỏa thuận nào mà người dân Ukraine chấp nhận.
Trước đó, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết một lệnh ngừng bắn, rút quân đội và các đảm bảo an ninh nghiêm ngặt dưới dạng thức đặc biệt là những yêu cầu chính mà Ukraine đưa ra trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết, Đại hội đồng Liên hợp quốc có thể tiếp tục bỏ phiếu trong tuần này về căng thẳng Nga - Ukraine, và hối thúc cứu trợ nhân đạo. Đây sẽ là lần thứ hai Đại hội đồng Liên hợp quốc với 193 thành viên bỏ phiếu về xung đột Nga- Ukraine.
Ngày 21/3, các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italy đã điện đàm và nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết trong vấn đề Ukraine. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Italy Mario Draghi nêu rõ: "Do tình hình nhân đạo khẩn cấp và nghiêm trọng, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ phối hợp nỗ lực để giúp người dân Ukraine đã chạy thoát khỏi cuộc xung đột hay những người còn mắc kẹt ở nhà".
Trước đó, Italy cho biết cuộc điện đàm ngày 21/3 là nhằm chuẩn bị cho các cuộc họp của NATO, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội đồng châu Âu được lên kế hoạch vào cuối tuần này.