Đà Nẵng: Doanh nghiệp chủ động đương đầu với đại dịch Covid-19

Trang Trần| 31/05/2021 21:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách của Nhà nước, sự chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp của từng đơn vị, đến nay các doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn hoạt động và sản xuất hiệu quả.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Từ đầu tháng 12/2019 đến nay, thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam đang phải đối diện với đại dịch Covid-19. Ở quy mô địa phương, Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh Covid-19, là 1 trong 7 địa phương tăng trưởng âm trong năm 2020. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (KCNC& CKCN Đà Nẵng), đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường gây giảm tốc độ tăng trưởng ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.

doanh-nghie-voi-covid-3.jpg
Công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam vẫn hoạt động sản xuất bình thường trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế, đặc biệt là thị trường chủ lực của các doanh nghiệp (DN) sang Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu… bị gián đoạn, khiến sự lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ, dẫn đến sự sụt giảm hàng loạt của các chỉ tiêu kinh tế của các dự án/DN trong KCNC& CKCN, đặc biệt là chỉ tiêu về giá trị xuất khẩu giảm 13.64% so với cùng kỳ, chỉ tiêu nhập khẩu giảm 10,09% so với cùng kỳ, chỉ tiêu nộp ngân sách giảm 18.5 % so với cùng kỳ.

Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ thực sự đã giúp các DN từng bước tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sản xuất kinh doanh. Đà Nẵng, nơi nhiều lần ghi tên vào bản đồ tâm dịch Covid-19, các DN tại địa phương vì vậy bị ảnh hưởng rất lớn. Trong đó, một số địa phương đã kiểm soát dịch bệnh không cho DN tại Đà Nẵng vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa qua các chốt kiểm dịch. Trước tình trạng đó, áp dụng nghị quyết của Chính phủ, Ban quản lý (BQL) KCNC& CKCN Đà Nẵng đã kịp thời có văn bản xác nhận DN hoạt động tại các khu đề nghị hỗ trợ để DN kịp thời lưu thông hàng hóa, xuất hàng đi đúng tiến độ.

doanh-nghie-voi-covid-2.jpg
Bàn ăn được lắp vách ngăn tại CN Công ty CP Công nghiệp nhựa Chin Huei để đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19

Đây được đánh giá là một trong những giải pháp mang đến hiệu quả thiết thực cho các DN trong mùa dịch. Đảm bảo tiến độ, nhập hàng, xuất hàng, dây chuyền sản suất không bị ngưng trệ, đảm bảo người lao động có việc làm thường xuyên, liên tục.

Tính đến nay, KCNC& CKCN Đà Nẵng đã thu hút 491 dự án, trong đó, 363 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 26.507,9 tỉ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.598,7 triệu USD. Với chủ trương của Trung ương và thành phố là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế xã hội và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Do đó, yêu cầu bắt buộc đối với các DN hiện nay là thực hiện mô hình đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường đồng thời đảm bảo, tuân thủ nghiêm những quy định, hướng dẫn về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. BQL căn cứ theo hướng dẫn của UBND thành phố, Sở Y tế thành phố để hướng dẫn DN thực hiện hồ sơ và tổng hợp, trình UBND thành phố hỗ trợ chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc.

Trên cơ sở đó, BQL đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho 137 trường hợp (bao gồm chuyên gia và thân nhân) thuộc 35 DN trong KCNC& CKCN Đà Nẵng và đã có 51 trường hợp được nhập cảnh theo đúng quy định. Sự kịp thời, tạo điều kiện cho chuyên gia nhập cảnh đã giúp các DN duy trì hoạt động sản xuất, hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, ngày 7/5/2021, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố giai đoạn 2021-2025 với 3 nhóm lĩnh vực lớn gồm 12 lĩnh vực, 36 nhóm dự án. Việc cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng để mở rộng nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh mà còn rất thiết thực cho DN trong tương lai.

Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ về thủ tục hành chính được áp dụng như tăng cường giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, DN không cần phải đến trụ sở BQL Việc làm này đã tiết kiệm được thời gian và công sức của DN... cũng đảm bảo được công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Nhà nước thực sự mang ý nghĩa rất lớn đối với DN cả nước nói chung, DN tại Đà Nẵng nói riêng. Các chính sách này giúp DN Đà Nẵng yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Hạn chế đến mức thấp nhất ảnh do hưởng từ dịch Covid-19. Đối với một số chính sách, mong rằng trong thời gian tới các DN tại Đà Nẵng sẽ được tiếp cận, có hiệu quả”, ông Trần Văn Tỵ- Phó Trưởng BQL KCNC& CKCN Đà Nẵng cho biết.

Chủ động đương đầu, sản xuất giữa đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh cảnh khó khăn do dịch bệnh, những chính sách của Chính phủ được xem là “cú hích” kịp thời, đúng và trúng thời điểm giúp DN vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh… Từ bàn đạp đó, các DN tại Đà Nẵng đã có những “cú trở mình”, chủ động trong mọi tình huống, thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế xã hội và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.

doanh-nghie-voi-covid-1.jpg
Công nhân Công ty TNHH ống thép Hòa Phát Đà Nẵng thực hiện tốt thông điệp 5K để phòng, chống Covid-19, đảm bảo an toàn sản xuất.  

CN Công ty CP Công nghiệp nhựa Chin Huei đã có những giải pháp căn cơ, chủ động đương đầu với dịch Covid-19. Trong 2 năm nay, hoạt động kinh doanh gặp không ít khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa suy giảm do vậy bằng sự đoàn kết sáng tạo bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đã giúp công ty từng bước vượt qua khó khăn. Theo ông Lưu Diễn Hiệp- Trưởng phòng Tổ chức CN Công ty CP Công nghiệp nhựa Chin Huei, sự linh hoạt của Ban Giám đốc đến thời điểm này công ty vẫn ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm ổn định cho 433 công nhân. Trong thời gian tới, nhờ vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, công ty sẽ tìm kiếm thêm những hướng đi mới từ những đơn hàng xuất khẩu.

Trên thực tế cho thấy, bên cạnh những DN “điêu đứng” vì dịch Covid-19 thì có những DN năng suất sản xuất không ngừng tăng lên, đơn cử như Công TNHH ống thép Hòa Phát Đà Nẵng. Ông Bùi Tấn Hữu- Giám đốc nhà máy cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng vì thiếu hụt do quặng thép, nguyên liệu thô tăng cao nhưng thực tế năng suất sản xuất của công ty đang tăng do nhu cầu cung cấp cho các đại lý. Cụ thể, bình quân từ 14 đến 15 ngàn tấn/tháng, so với tháng 3 thì tháng 4 vừa qua tăng 7%, tháng 5 dự kiến tăng khoảng 5%. Hiện nhà máy có 540 công nhân làm việc, để không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, từ ra vào cổng đến quá trình sản xuất. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục mở rộng sản xuất, mục tiêu đạt 300 ngàn tấn/năm trong thời gian tới.

Có thể nói, dịch Covid-19 đặt lên vai những người đứng đầu những thử thách mang tính lịch sử. Bằng những bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch vốn có, bằng những chiến lược kinh doanh bền bỉ, cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, mong rằng các DN Việt Nam nói chung và DN tại Đà Nẵng nói riêng tiếp tục phát triển bền vững.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Doanh nghiệp chủ động đương đầu với đại dịch Covid-19