Đại dịch Covid-19: Phép thử “sức đề kháng” cho các doanh nghiệp ngành xây dựng

Thái Bình| 30/05/2021 19:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại dịch Covid-19 được ví như một “cơn bão” bất ngờ với những dư chấn nặng nề, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Bằng sự nỗ lực, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đã “đạp” sóng dữ, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần ổn định nền kinh tế.

Không thể phủ nhận “cơn bão” Covid-19 đã, đang và sẽ còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu. Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng . Theo số liệu thống kê, quý I năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 3,82%, quý II giảm còn 0,39%, quí III tăng trở lại đạt 2,62%, đưa con số tăng trưởng của 9 tháng năm 2020 lên 2,12%. Mặc dù tăng trưởng vẫn là một con số dương, nhưng đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của các năm trong giai đoạn 2011-2020 và là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương.

Theo kết quả điều tra đột xuất của Tổng cục Thống kê về tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp (lần 1) cho thấy, đến 20/4/2020, với 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời, có tới 85,7% số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%.

a1.jpg
Toà tháp Việt Nam Landmark 81 cao nhất Việt Nam như minh chứng cho sự thành công của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam

Tuy nhiên, “thảm hoạ toàn cầu” mang tên Covid-19 không thể nhấn chìm đi tất cả. Ngược lại, nó như một liều thuốc để “đo sức khoẻ” và sự sáng tạo để các doanh nghiệp khẳng định được vị thế, trong đó có doanh nghiệp ngành xây dựng. Trong bối cảnh Covid-19 bủa vây nhưng với tinh thần luôn “chinh phục những đỉnh cao”, một số doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn vươn lên trở thành “điểm sáng” đảm bảo bền vững mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng”.

Theo đó, vượt qua những khó khăn từ đại dịch, kết quả kinh doanh của Coteccons (mã CTD) trong quý I/2020 đã đạt được nhiều thành tựu, xứng đáng với thương hiệu “ông lớn” trong ngành. Điều này được thể hiện trong báo cáo quý I của công ty cho thấy; lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng, tuy giảm so với cùng kỳ các năm trước nhưng đây cũng là một nỗ lực lớn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Trong năm 2021, Coteccons dự kiến doanh thu đạt 17.413 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2020 (14.558 tỷ) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 340 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% (334 tỷ). Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) ghi nhận doanh thu quý 1/2021 đạt gần 1.217 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,4% và giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,8% về chỉ còn 5,9%.

Giống như các doanh nghiệp khác trong ngành, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cũng đối diện với nhiều khó khăn khi các yếu tố khách quan như đại dịch, tiến độ xây dựng, môi trường pháp lý hay yếu tố lạm phát đang ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vượt qua "bão" Covid-19, HBC cũng đã ghi nhận lãi quý I đạt 5 tỷ đồng. Đây là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng từ ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên HBC trong thời điểm vô cùng khó khăn này.

a2.jpg
Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đang vươn mình  trở thành doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Việt Nam

Không chỉ có vậy, mới đây, HBC còn nằm trong danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được xếp vị trí số 1 Top 10 Nhà thầu Xây dựng Uy tín năm 2020. Giữa đại dịch covid, danh hiệu càng đặc biệt và ý nghĩa cho doanh nghiệp trong lần vươn lên dẫn đầu và rất xứng đáng này.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC cho rằng để đạt được những thành tựu này tập đoàn đã đưa ra rất nhiều giải pháp bao gồm những giải pháp đối phó với khủng hoảng trước mắt trong ngắn hạn kết hợp với tái cấu trúc một cách toàn diện, phục vụ cho một chiến lược dài hạn sau khi đại dịch kết thúc. Hòa Bình đã đưa ra một số giải pháp để vừa phòng chống dịch vừa hoàn thành các công trình an toàn, tiến độ, chất lượng cũng như đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân viên.

Trong công tác phòng chống dịch, Hòa Bình luôn chấp hành những quy định về an toàn lao động, thực hiện các quy trình kiểm soát dịch bệnh tại các công trường trong cả nước và khối văn phòng. Công trường của Hòa Bình thường xuyên được phun khử khuẩn, bố trí những lọ dung dịch sát khuẩn; công nhân trước khi ra vào đều được tiến hành đo thân nhiệt, được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. “Chúng tôi áp dụng tổ chức họp trực tuyến thường xuyên, trao đổi công việc hơn nhằm thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo số lượng tham dự họp không quá 20 người theo quy định mới nhất; quản lý công việc trên hệ thống TMS (Task Management System); áp dụng chữ ký số phê duyệt hồ sơ”- ông Hải cho biết.

a3.jpg
Nhiều công trình xây dựng trên cả nước mang dấu ấn Hoà Bình

Đã từng nhiều lần đối diện với khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á 2008, tiếp đó suy thoái kinh tế thế giới là năm 2011, ở lần này Tập đoàn vẫn bình tĩnh và chủ động các biện pháp tức thời và tích cực ứng phó với dịch bệnh; đây cũng chính là tinh thần “thép” sẵn có và đặc trưng của doanh nghiệp luôn biến trở lực thành động lực phát triển trong giai đoạn đầy thử thách. Trước bối cảnh dịch bệnh, giãn cách đảm bảo an toàn lao động, từ đợt Covid đầu tiên cho đến lần 2,3 dịch bùng phát trở lại, trên các công trường của Hoà Bình vẫn luôn sáng đèn, công nhân miệt mài lao động đẩy nhanh các dự án lần lượt tiến hành cất nóc, bàn giao cho chủ đầu tư, nhiều dự án vượt tiến độ từ 10 ngày, thậm chí tới cả tháng trước kế hoạch.

Trong tháng 7/2020, công trình Khu nghỉ dưỡng Lady Hill Resort - Sa Pa của nhà thầu Hòa Bình đã nỗ lực về đích phần kết cấu trước 30 ngày chỉ sau 5 tháng triển khai dù nằm trên vùng núi cao, địa hình hiểm trở gây nhiều khó khăn thi công. Tiếp đó, cụm dự án Celadon Emerald Plot A1 tại TP.HCM gồm 6 tòa nhà, hơn 2100 căn hộ cũng được công ty chính thức bàn giao, điều đáng nói là Hòa Bình xuất sắc đạt chứng nhận Gquas (theo tiêu chuẩn xây dựng của Singapore) với điểm số cao, thành tích này đem về hơn 10 tỷ đồng tiền thưởng từ chủ đầu tư Gamuda Land (Malaysia) tặng cho tổng thầu Hòa Bình.

Với những khó khăn chồng chất trước “làn sóng Covid-19” phức tạp, khó lường nhưng một số doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn tìm thấy cơ hội, vươn lên để khẳng định mình. Điều này không chỉ thể hiện “tinh thần Việt” trong lao khó mà còn góp phần không nhỏ đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới mà Đảng, Chính phủ đã đề ra.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch Covid-19: Phép thử “sức đề kháng” cho các doanh nghiệp ngành xây dựng