Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2020.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xây dựng chủ yếu; phấn đấu giá trị sản xuất của toàn ngành tăng trưởng bình quân từ 9-14%/năm; một số sản phẩm chủ yếu có bước phát triển đột phá, cơ bản chiếm lĩnh được thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư xây dựng, Đề án phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được hầu hết các công trình xây dựng thiết yếu bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, có giá thành cạnh tranh; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước; hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Khắc phục lệch pha cung - cầu bất động sản
Về lĩnh vực phát triển đô thị, Đề án đặt mục tiêu phát triển đô thị bền vững, xanh, sạch, đẹp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hình thành một số đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng có mức độ hiện đại, tốc độ phát triển và năng lực cạnh tranh ngang tầm với các nước trong khu vực; hình thành một số đô thị có chức năng đặc thù như: đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị khoa học...; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 40%.
Đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2/người; giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng mới khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%.
Phát triển thị trường bất động sản ổn định, vững chắc, có cấu trúc hoàn chỉnh và cơ cấu hợp lý; khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và các loại bất động sản khác; phấn đấu nguồn thu từ kinh doanh bất động sản và đất đai đạt từ 10-15% tổng nguồn thu ngân sách.
Về lĩnh vực vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, phấn đấu chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước, một số đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; giá trị sản xuất, giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững, bình quân khoảng 10%/năm; sản xuất xi măng đạt khoảng 115 triệu tấn/năm; đồng thời, phát triển mạnh sản phẩm cơ khí xây dựng, nhất là các sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn; tăng tỷ trọng cơ khí chế tạo trong nước.
Đẩy mạnh cổ phần hóa DN xây dựng
Đề án cũng nêu rõ định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của ngành xây dựng. Trong đó, về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản sẽ tiếp tục rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên phạm vi cả nước, tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với kế hoạch phát triển từng loại bất động sản của từng địa phương; nghiên cứu, giải quyết tình trạng các khu đô thị mới dở dang nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, nhằm cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp, thông qua các hình thức hỗ trợ về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng ưu đãi. Cùng với đó là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài...
Về tái cơ cấu doanh nghiệp ngành xây dựng, sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng theo hướng Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp. Đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.