Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên khi cùng đoàn công tác kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại Đà Nẵng vào chiều 19/10.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, trong trận lụt lịch sử vừa qua, 52/56 xã, phường thuộc các quận huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 - 1,0m, có nơi ngập đến 2,0m, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà. Trước khi lụt xảy ra, toàn thành phố đã sơ tán, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho hơn 14.000 người.
Về tình hình thiệt hại, có 4 người chết, 1 nhà sụp hoàn toàn; sập một phần 28 nhà. Đa số các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước đều hư hỏng các thiết bị dân dụng như ti vi, tủ lạnh, quạt, bàn ghế, giường, tủ…; nhiều tài sản có giá trị như xe ô tô, xe máy của người dân bị ngập nước, hư hỏng; hàng hóa của tiểu thương trong các chợ, bến xe và hộ buôn bán tạp hóa, thực phẩm, áo quần, vải, rau củ quả..., máy móc trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng bị hư hỏng.
Rau màu các loại bị ngập úng khoảng 74,22 ha; nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; gia súc gia cầm trôi, chết gần 60.000 con.
Về điện lực có 130 vụ sự cố về điện do ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn; 2.631 trạm biến áp bị mất điện và 207.705 khách hàng bị mất điện. Về giáo dục, văn hóa, 14 trường học trên địa bàn bị ngập, thiệt hại hư hỏng sổ sách, thiết bị điện tử và dụng cụ dạy học. mưa lũ lớn đã lũ làm 4 người chết, gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất.
Giao thông nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị sạt lở, hư, hỏng. Nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang bị vùi lấp do bị sạt lở núi với khối lượng đất đá lớn, trong đó, khối lượng đất đá sạt lở xuống khu vực có mộ là ước 6.120m3, khối lượng đất đá sạt lở xuống đường giao thông ước 9.635 m3); số lượng mộ bị vùi lấp đến nay chưa thống kê được. Trong khi đó, thiệt hại tài sản trong dân, doanh nghiệp trên 2000 xe ô tô và trên 30 ngàn xe máy bị ngập nước; các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước bị hư hỏng các thiết điện tử, dân dụng…
Cụ thể, ước thiệt hại sơ bộ ban đầu (tính đến 14h ngày 18/10) là 1.486,505 tỷ đồng (Hòa Vang 250 tỷ, Hải Châu 130 tỷ, Liên Chiểu 578 tỷ đồng, Cẩm Lệ 180 tỷ đồng, Thanh Khê 87 tỷ đồng, Sơn Trà 26,205 tỷ đồng, Ngũ Hành Sơn 17 tỷ đồng, lĩnh vực giao thông vận tải 190,5 tỷ đồng, xây dựng 17 tỷ, y tế 10,8 tỷ...).
Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, hiện thành phố đang tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra và đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp để ổn định lâu dài trong công tác phòng chống thiên tai.
Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên Đà Nẵng kính đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư 3 dự án gồm Dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa-khu vực bán đảo Sơn Trà, khái toán kinh phí 500 tỷ đồng; Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay, khái toán 500 tỷ đồng và Dự án đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Trường Sa-Võ Nguyên Giáp, khái toán kinh phí 180 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc đến những gia đình có người mất trong trận mưa lũ vừa qua, chia sẻ khó khăn với chính quyền, người dân Đà Nẵng. Chủ tịch nước cho rằng, trận mưa vừa rồi là dị thường, bất ngờ, quy mô chưa từng thấy nhưng chính quyền, người dân Đà Nẵng đã rất chủ động, tích cực phòng chống, lực lượng quân đội, công an rất dũng cảm cứu người, tài sản của dân trong mưa lũ.
Chủ tịch nước đề nghị chính quyền Đà Nẵng huy động tổng lực, nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả ngập lụt để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
“Tôi tin rằng với truyền thống của mình, chính quyền, người dân Đà Nẵng không chỉ khắc phục nhanh hậu quả mà còn tiếp tục phát triển nhanh, bền vững”, Chủ tịch nước bày tỏ.
Cũng trong chiều 19/10, Chủ tịch nước và đoàn công tác thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang và điểm sạt lở đường lên bán đảo Sơn Trà. Tại thôn Thạch Nham Đông, nơi chịu thiệt hại nặng nề do trận mưa lũ lịch sử, Chủ tịch nước đã thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với người dân. Chủ tịch nước đề nghị chính quyền huyện Hòa Vang nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả ngập lụt để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Tại điểm sạt lở trên đường Hoàng Sa, tuyến lên Bán đảo Sơn Trà, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Đà Nẵng, Sở Giao thông-Vận tải, UBND quận Sơn Trà sớm đưa phương tiện, nhân lực sửa chữa, khắc phục điểm hư hại bởi đây là tuyến đường quan trọng dẫn lên bán đảo Sơn Trà, không chỉ phục vụ du lịch mà còn phục vụ nhiều lĩnh vực khác.