Đà Nẵng: Bảo vệ rừng “lót tay” cho lâm tặc phá rừng lĩnh án

Mạnh Cường| 30/08/2016 21:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 2 ngày 29 và 30-8, TAND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo về các tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ".

Đà Nẵng: Bảo vệ rừng “lót tay” cho lâm tặc phá rừng lĩnh án

Các bị cáo trong vụ phá rừng Cà Nhông

Trong vụ án này có 19 bị cáo bị truy tố là Vũ Văn Tam (SN 1968, trú xã Tư, H. Đông Giang, Quảng Nam) về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” và “Đưa hối lộ”; Đỗ Văn Lưu (SN 1967), Vũ Văn Quý (SN 1979), Nguyễn Văn Vụ (SN 1982), Đinh Văn Thuấn (SN 1981), Phạm Văn Chính (SN 1976), Nguyễn Văn Học (SN 1971, cùng trú xã Lai Thành, H. Kim Sơn, Ninh Bình), Vũ Văn Pháp (SN 1981, trú xã Nga Thái, H. Nga Sơn, Thanh Hóa), Phạm Đình Lợi (SN 1965, trú Hòa Phong, H. Hòa Vang), Kiều Ngọc Trung (SN 1980), Kiều Ngọc Quý (SN 1955), Sầm Tô Binh (SN 1988, cùng trú xã Ba, H. Đông Giang) cùng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”; Phạm Phú Cường (SN 1967, trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Quảng Nam - nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng (BVR) Cà Nhông), Hồ Tấn Hai (SN 1962, xã Hòa Phước, H. Hòa Vang - nguyên Trạm phó Trạm BVR rừng Cà Nhông), Thủy Ngọc Trọng (SN 1982, xã Bình Phục, H. Thăng Bình, Quảng Nam - nguyên Trạm phó Trạm BVR Cà Nhông), Nguyễn Văn Ấn (SN 1985, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang - nguyên nhân viên Trạm BVR Cà Nhông), Lý Thanh Tùng (SN 1984, xã Quế Long, H. Quế Sơn, Quảng Nam - kỹ sư lâm nghiệp Trạm BVR Cà Nhông), Nguyễn Văn Nhung (SN 1963, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang - công chức Kiểm lâm), Đinh Ngọc Bán (SN 1966, trú P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng - công chức Kiểm lâm) cùng về tội “Nhận hối lộ”.

Theo nội dung cáo trạng, năm 1991 từ xã Giao Yến (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), Vũ Văn Tam vào huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) làm nghề khai thác vàng trái phép rồi chuyển qua trồng rừng. Năm 2012 do sinh sống lâu năm ở huyện Đông Giang, Tam biết rừng Cà Nhông ở huyện Hòa Vang (do Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa quản lý) có nhiều gỗ nên thuê người vào rừng Cà Nhông khai thác gỗ trái phép.

Từ “chỉ thị” của Tam, Quý và Pháp chỉ huy nhóm hạ cây, cưa và xẻ gỗ với tiền công 70.000 đồng/thanh, Lưu chỉ huy nhóm vận chuyển gỗ từ nơi khai thác đến nơi tập kết với giá khuân vác là 150.000 đồng/thanh. Nhóm của Tam đã trực tiếp chặt phá 104 cây gỗ kiền kiền với khối lượng 100,3m3 trong 3 đợt; cưa xẻ thành 1.461 thanh; gây thiệt hại tổng cộng hơn 847 triệu đồng. Sau khi khai thác, Tam liên hệ bán cho Lợi 1.010 thanh với giá 550.000 đồng/thanh. Lợi thuê Trung, Quý và Binh vào rừng vận chuyển gỗ trái phép cho mình.

Để thuận tiện cho việc vận chuyển,  Lợi chung chi cho dân quân xã Tư, Trạm kiểm soát lâm sản Dốc Kiền (Hạt Kiểm lâm Đông Giang), Trạm kiểm soát lâm sản Hòa Phú (Hạt Kiểm lâm Hòa Vang) và ông Châu Ngọc Khế (Trưởng thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Riêng phần Tam, Tam đặt vấn đề với các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông và kiểm lâm viên địa bàn để được vào rừng khai thác gỗ trái phép và “lót tay” mỗi chuyến 5 triệu đồng.

Từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014, Tam chung chi 30 triệu đồng cho Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông. Ngoài các bị cáo trên, Nguyễn Quang Lộc (nguyên Trạm trưởng trạm Cà Nhông) thiếu trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng, không phát hiện Tam đưa người vào rừng khai thác gỗ trái phép nên cơ quan điều tra kiến nghị xử lý hành chính; Lê Hoàng Sơn (nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm Đông Giang) thiếu trách nhiệm trong việc thu giữ số gỗ vi phạm của Tam nên cơ quan điểm tra kiến nghị cơ quan chủ quản nơi Sơn đang công tác xử lý.

Tại phiên tòa khi được hỏi, bị cáo Tam luôn khẳng định bản thân không phạm tội. Tam cho rằng việc bị cáo thuê các bị cáo khác là để chăm sóc và khai thác keo với tiền công 4 triệu đồng/tháng vào những lúc thời tiết nắng ráo, thuận lợi còn mùa mưa bị cáo cho những người này nghỉ ngơi vì không có keo để khai thác chứ không hề có việc đi phá rừng trái phép.

Về việc đưa tiền hối lộ, Tam cũng cho rằng bị cáo không hề thực hiện hành vi này. Trong khi đó, đối lập với lời khai của Tam, các bị cáo ở nhóm hành vi “Nhận hối lộ” lại cúi đầu nhận tội. Theo đó, các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cà Nhông và nhân viên kiểm lâm địa bàn đều khai nhận, vào một ngày trong khoảng tháng 10-2013, Trạm trưởng Phạm Phú Cường có nói với mọi người về việc Tam đặt vấn đề đưa người vào rừng Cà Nhông khai thác gỗ trái phép. Mỗi chuyến xe, Tam sẽ đưa cho anh em ở trạm 5 triệu đồng, sau khi nghe xong những người còn lại không ai có ý kiến, ngầm hiểu với nhau là cùng đồng ý.

Bị cáo Hai cho biết, số tiền Tam đưa Hai đã sử dụng nhằm mục đích sinh hoạt chung như: tiền ăn, tiền thăm ốm, ma chay…, số tiền còn lại được chia cho tất cả 7 người. Cũng theo lời khai của bị cáo Hai và Cường Hai đã có bàn bạc để trả lại tiền cho Tam nhưng Tam không chịu nhận. Bị cáo Cường khai, Tam trực tiếp đến trạm, đặt vấn đề trực tiếp với tất cả mọi người ở trạm chứ không phải nói riêng bị cáo rồi bị cáo mới chuyển lời như cáo trạng nêu. Cường cho rằng, mình đã ra sức giải thích cho Tam về việc khai thác gỗ là trái phép. Không chỉ vậy, bị cáo Cường biện hộ cho hành vi vi phạm của mình đó là bị cáo đã  thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhưng do địa bàn quá rộng, không kiểm soát được nên lực bất tòng tâm.

Trong vụ án này, bị cáo Tam với vai trò chủ mưu trong việc tổ chức khai thác rừng đặc dụng trái phép gây hậu quả nghiêm trọng. Tại tòa, ngoài bị cáo Tam một mực quanh co chối tội, các bị cáo còn lại đều thành khẩn khai báo và ân hận trước những việc làm sai trái của mình, họ mong muốn có cơ hội để sửa những sai lầm mà mình vấp phải.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, căn cứ vào những chứng cứ có trong hồ sơ tại liệu cũng như quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa điễn ra trong 2 ngày qua,  HĐXX TAND huyện Hòa Vang tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Tam mức án 6 năm 3 tháng  tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” và  tội “Đưa hối lộ”; Lưu, Quý, Vụ cùng mức án 2 năm  tù, Thuấn và Chính  18 tháng  tù, Học 16 tháng 16 ngày, Pháp 16 tháng 10 ngày; Lợi  3 năm  tù, Trung và Quý 16 tháng 21 ngày tù, Binh 12 tháng tù, cùng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Các bị cáo Cường mức án 4 năm tù; Hai  2 năm  tù; Trọng và  Ấn  cùng mức án 18 tháng tù, Tùng  12 tháng  tù, Nhung 6 tháng  tù, Bán 9 tháng tù, cùng về tội “Nhận hối lộ”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Bảo vệ rừng “lót tay” cho lâm tặc phá rừng lĩnh án