Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển trong quý IV/2021 chưa thể hạ nhiệt do nhu cầu vẫn cao. Đây là quý cao điểm xuất hàng đi các nước bán trong dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch.
Nền kinh tế đang bước vào trạng thái “bình thường mới” nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn lo ngại khi tình trạng thiếu hụt container rỗng vẫn trầm trọng, trong khi giá cước vận tải đang neo ở mức rất cao.
Hiện nay, chi phí thuê một container từ Việt Nam đến Trung Quốc tăng khoảng 300%. Trong khi đó, cước container từ Việt Nam đi Mỹ tăng 500%. Giá cước vận chuyển tăng mạnh như vậy khiến doanh nghiệp chịu áp lực gia tăng chi phí. Thêm vào đó, việc khó thuê container cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lưu thông hàng xuất khẩu, gây đình trệ sản xuất.
Điều này cũng tác động mạnh đến giá trị tiền hàng. Giá hàng tăng cao vì cước vận tải cao và giá nguyên liệu đầu vào tăng do tính mùa vụ khiến sản lượng xuất khẩu bị ảnh hưởng. Khi giá tăng, khách hàng sẽ cân nhắc hơn trong việc mua hàng, sức mua chậm lại.
Cước vận tải biển tăng từ cuối năm 2020 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có những tuyến đường, giá cước vận tải đã tăng gấp đôi, từ mức 5.000 - 6.000 USD/container ở thời điểm trước đại dịch lên 11.000 USD/container hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển trong quý IV/2021 chưa thể "hạ nhiệt" do nhu cầu vẫn cao.
Giá cước vẫn cao do hai yếu tố. Thứ nhất khan hiếm nguồn cung container rỗng, thứ hai thiếu hụt nhân công làm việc tại các cảng khiến tắc nghẽn tiếp nhận tàu vào cảng.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều cảng thiếu nhân công làm hàng, nhiều cảng bên Mỹ bị tắc nghẽn phải 10 - 15 ngày tàu mới cập cảng được. Việc Trung Quốc mất điện cũng ảnh hưởng, một số cảng chính lớn phía Thượng Hải đi xuống bị vướng, ảnh hưởng tiếp nhận tàu vào.