Hiến kế gỡ "nút thắt" khiến cước vận tải biển tăng phi mã

Trang Nhi| 05/08/2021 08:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam như “ngồi trên đống lửa” khi giá cước vận tải biển tăng phi mã. Để hạ giá cước, đã có nhiều giải pháp được đưa ra.

Từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, giá cước tàu biển cũng như cước thuê container tăng cao một cách bất thường.

Phân tích nguyên nhân giá cước vận tải biển tăng cao, Công ty CP Chứng khoán SSI Research chỉ ra: Các công ty vận tải biển bắt đầu cắt giảm chi phí bằng hình thức cho tàu tạm ngưng hoạt động, hủy chuyến và giảm tốc độ tàu để giảm chi phí nhiên liệu. Điều này làm giảm công suất trên quy mô lớn đối với nhiều tuyến vận tải lớn trên toàn cầu. 

cuoc-van-tai-1.jpg
Hiến kế gỡ "nút thắt" khiến cước vận tải biển tăng phi mã

Thêm vào đó, công suất xếp dỡ của các cảng cũng giảm do thiếu nhân viên và thời gian kiểm dịch kéo dài, dẫn đến việc tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng và chậm trễ trong việc xếp dỡ container. Ngoài ra, việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, khiến giá cước vận tải biển vọt tăng.

Trước tình hình trên, nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia đã "hiến kế" gỡ "nút thắt" gây ra tình trạng này.

Trước mắt, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp cùng cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng tăng cường kiểm soát việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá theo quy định để kịp thời nắm bắt tình hình, có phương án làm việc, đề nghị các hãng tàu ổn định giá, phụ thu ngoài giá vận chuyển. Ðồng thời, đề xuất Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về giá cước và các loại phụ thu ngoài giá mà hãng tàu thu của doanh nghiệp tại cảng Việt Nam phù hợp tình hình thực tế của Việt Nam và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế.

Về lâu dài, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi luật và các nghị định hướng dẫn liên quan, đưa việc thông báo áp dụng phụ phí của hãng tàu từ cấp độ chỉ là việc niêm yết thông tin như hiện nay lên mức phải kê khai. Như vậy, trước khi thu phụ phí, hãng tàu phải nộp danh mục các loại phụ phí sẽ thu, giải trình lý do và chỉ được áp dụng khi cơ quan chức năng Việt Nam phê duyệt.

cuoc-van-tai-2.jpg
Các doanh nghiệp nên liên kết với nhau, tạo đơn hàng chung để thỏa thuận với hãng tàu nhằm có giá tốt nhất.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, việc đa dạng hóa thị trường trong khâu vận chuyển, logistics là một giải pháp doanh nghiệp có thể tính đến. Ví dụ trong vận chuyển đi châu Âu, ngoài phương thức về đường biển thì chúng ta đã có phương thức vận chuyển bằng đường sắt thông qua tuyến liên vận. Dịp này là một cơ hội để các doanh nghiệp đã tìm hiểu và khai thác tận dụng tốt hơn các phương thức này, vừa đa dạng hóa phương thức vận chuyển vừa để góp phần giảm bớt yếu tố phụ thuộc cũng như tác động của trường hợp tăng giá cước tàu biển như vừa qua.

Về phía các doanh nghiệp, đa số đều cho rằng, các doanh nghiệp nên liên kết với nhau, có cùng đơn hàng để thương lượng với hãng tàu. Việc này giúp cho các hãng tàu có đơn hàng ổn định, từ đó họ sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp vận chuyển có giá tốt hơn.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp phải kết hợp không chỉ ở thị trường Việt Nam mà phải vượt biên giới. Đó là kết hợp với các doanh nghiệp logistics ở nước ngoài để có thể chuyển container rỗng về nhanh hơn và giảm được chi phí chuyển container rỗng xuống thấp. Ngoài ra, Chính phủ hoặc Bộ Công Thương cũng cần tìm kiếm các đội tàu khác nhau với những giá tốt và đề xuất cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cho hay, nếu giải quyết được các vấn đề trên, giá cước sẽ “hạ nhiệt”, từ đó giúp doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều cơ hội hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến kế gỡ "nút thắt" khiến cước vận tải biển tăng phi mã